Công an tỉnh Bình Phước
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/2014 - 20/10/2024)
Lượt xem: 35
“…Con đường của Thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, lớp lớp thanh niên đã có những cống hiến to lớn. Nhiều tấm gương thanh niên đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, dũng cảm, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân đấu tranh. Trong những tấm gương sáng ngời ấy có anh hùng Lý Tự Trọng -  “đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng.”[1]
anh tin bai

Anh hùng Liệt sĩ Lý Tự Trọng (ảnh Tư liệu)

Từ tấm gương sáng ngời…

Lý Tự Trọng sinh năm 1914 tại bản Mạy, tỉnh Na-khon Pha-nom thuộc miền đông bắc Xiêm (tức Thái Lan ngày nay), tên thật là Lê Văn Trọng. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, vì phải tránh sự khủng bố của thực dân nên di tản sang đất Xiêm.

Năm 1964, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn, với bút danh Chiến Sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng”, khái quát đầy đủ và sinh động về cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng trẻ tuổi. Bài viết đăng trên báo Nhân Dân, số 3649, ra ngày 26-3-1964. Theo đó:

Khoảng năm 1926, Lý Tự Trọng là 1 trong số những thiếu niên Việt kiều ở Xiêm được Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chọn sang Trung Quốc học tập để làm hạt nhân cho phong trào thanh niên cách mạng sau này. Đến Quảng Châu, Lý Tự Trọng được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được tổ chức vào nhóm Thiếu niên tiền phong Việt Nam. Từ đây tên gọi Lý Tự Trọng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt xuất hiện và trở thành cái tên nổi tiếng.

Sau thời gian hăng say học tập, nghiên cứu và hoạt động tại nước ngoài, giữa năm 1929, trước sự phát triển của cách mạng, Lý Tự Trọng đã trở về nước hoạt động với bí danh Nguyễn Huy, làm công nhân nhặt than ở cảng Sài Gòn. Khi Đoàn Thanh niên cộng sản được thành lập, Lý Tự Trọng trở thành đoàn viên đầu tiên, anh được giao nhiệm vụ tuyên truyền và tổ chức hoạt động cho Đoàn.

Đặc biệt, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ rất quan trọng là làm giao liên cho Xứ ủy Nam kỳ với Trung ương lúc bấy giờ cũng đóng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, giữ mối liên lạc các chi bộ trong Thành ủy Sài Gòn. Có ngoại ngữ thành thạo, Trung ương Đảng cũng tin tưởng giao cho anh nhiệm vụ bắt mối liên lạc với các đảng bạn đến Sài Gòn. Mọi lúc, mọi nơi, dù khó khăn, gian khổ, anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày 8-2-1931, trong cuộc diễn thuyết nhân kỷ niệm 1 năm khởi nghĩa Yên Bái, Lý Tự Trọng đã bắn chết tên mật thám Pháp Lơ-gơ-răng để bảo vệ cán bộ diễn thuyết, anh đã bị thực dân Pháp bắt đưa về bót Ca-ti-na, sau chuyển sang khám lớn Sài Gòn.

Những ngày bị bắt, thực dân Pháp đã dùng những đòn tra tấn vô cùng dã man để Lý Tự Trọng phải khai báo ra những manh mối, những thông tin bí mật của Đảng, của cách mạng. Lúc ấy chỉ cần anh sa sút tinh thần một giây, một phút cũng đủ để giết chết biết bao đồng chí và để lại những hậu quả khôn lường cho cách mạng. Nhưng những đòn roi, thủ đoạn của bọn thực dân đã không thể quật ngã người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Tinh thần bất khuất, lòng gan dạ, dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã khiến một số tên mật thám từ chỗ căm giận đến sửng sốt, ngạc nhiên và  khâm phục, kính nể vì dân tộc Việt Nam đã sinh ra những người con anh hùng như Lý Tự Trọng. Một tên mật thám Pháp sau này đã nói với nữ phóng viên Ăng-đơ-rê Vi-ô-lít rằng: "Tôi đã thấy anh ta mặt đẫm mồ hôi, hai mắt rũ xuống, máu ứ ra mồm, ra tai. Vậy mà vẫn một mực không nói nửa lời. Thật can đảm lạ lùng". Không những thế, trong thời gian bị giam cầm, Lý Tự Trọng còn động viên, khích lệ anh em tù vững tin để tiếp tục chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.

Mọi thủ đoạn được sử dụng hòng lấy thông tin từ Lý Tự Trọng đều bất thành, thực dân Pháp đã quyết định xử tử người thanh niên dũng cảm vào ngày 21-11-1931, khi anh vừa tròn 17 tuổi. Trước lúc hy sinh, Lý Tự Trọng hát bài Quốc tế ca bằng câu mở đầu đầy khí phách, vang lên dưới vòm trời Tổ quốc và sâu lắng vào lòng người đang sống: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...!”, và những tiếng hô vang: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp.

Trước tòa án, Lý Tự Trọng đã biến vành móng ngựa làm diễn đàn đấu tranh vạch mặt bọn thống trị, kêu gọi nhân dân anh dũng đứng lên giải phóng dân tộc.  Ở tuổi 17, anh đã ghi tên mình vào sử sách với câu nói bất hủ: "…con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác". Câu nói đầy khí phách của Lý Tự Trọng như một tiếng chuông ngân vang khắp miền quê đất nước, làm chấn động dư luận lúc bấy giờ, đã truyền thêm lửa, tiếp thêm máu cho triệu triệu trái tim người Việt Nam yêu nước và thực sự trở thành tuyên ngôn của tuổi trẻ Việt Nam.

anh tin bai

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng đã trở thành biểu tượng sáng ngời, hết sức thiêng liêng, cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam

… đến hành động của thanh niên thời kỳ mới

Noi gương và tiếp bước tinh thần Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thủ tiêu hoàn toàn chế độ thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Trong bài nói chuyện nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu lên những tấm gương thanh niên điển hình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà còn nhấn mạnh rằng tổ chức Đoàn từ những hạt nhân như anh hùng Lý Tự Trọng đã ngày càng “phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân”[2] và Người rất “tự hào, sung sướng, và thấy mình như trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc, vẻ vang”[3].

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tuyên ngôn bất hủ của anh hùng Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác” vẫn nguyên tính thời sự.

Chúng ta hiểu rằng cách mạng đó là những thay đổi theo hướng tích cực mà cụ thể là “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[4], và cách mạng cũng chính là con đường để thực hiện lý tưởng. Con đường cách mạng của thanh niên thời đại nào cũng nặng nề nhưng rất vẻ vang. Trong chiến tranh, lý tưởng cách mạng của thế hệ đi trước đó là chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trong hòa bình, lý tưởng cách mạng của thanh niên nói riêng và cả dân tộc nói chung, đó là vì một Việt Nam ổn định và phát triển; vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lý tưởng cách mạng của thanh niên không tách rời lý tưởng của Đảng, của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và: “Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”[5]. Do vậy, để xứng đáng là “mùa xuân của xã hội”, “người chủ tương lai của nước nhà”, thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới cần xác định rõ lý tưởng sống cho phù hợp với xu thế của đất nước, dân tộc và thời đại để góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.

anh tin bai

 

anh tin bai

Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng tọa lạc tại thôn Tân Long, xã Việt Tiến, H.Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (ảnh: Phạm Đức).

Anh Lý Tự Trọng đã từng nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng”, Anh đã xả thân bảo vệ người cán bộ tuyên truyền đường lối cách mạng, anh chấp nhận hi sinh để bảo vệ sự an toàn các cơ quan của Đảng, để thực hiện lý tưởng, mục tiêu cách mạng của Đảng. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nội dung đầu tiên và xuyên suốt là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, thì tấm gương kiên định lý tưởng cách mạng, bảo vệ Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng của anh Lý Tự Trọng càng có ý nghĩa thời sự, nhắc nhở mỗi chúng ta về sự kiên định con đường cách mạng, về sự phấn đấu, hi sinh vì nhân dân. Suy nghĩ đó, hành động đó, phương châm sống đó của người anh hùng Lý Tự Trọng cần được các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là lớp lớp thế hệ thanh niên kế tiếp, nuôi dưỡng, phát huy trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc hiện nay. 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15,  tr.76

[2] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.78

[3], Hồ Chí Minh: Sđd,, tập 15, tr.79

[4] Hồ Chí Minh: Đường cách mệnh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.12

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216

Theo tạp chí Xây dựng Đảng