Thượng tướng Ngõ Xuân Lịch.
|
Theo Thượng tướng, chính sự kế tục, phát triển mẫu hình nghĩa sĩ ấy, trong những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhân dân ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương đã vượt lên những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần để chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, tấm áo, đồng tiền giúp bộ đội. Trong điều kiện hòa bình xây dựng đất nước, nhân dân là người giúp đỡ bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn...
- Như Thượng tướng đề cập thì cội rễ tình quân dân bắt nguồn từ mẫu hình nghĩa sĩ trong lịch sử dân tộc và được hun đúc trong thời đại Hồ Chí Minh, vậy điều này sẽ được kế tục và phát huy thế nào trong điều kiện hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế hiện nay?
+ Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Không có dân thì không có bộ đội, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ, dân như nước, quân như cá”. Lực lượng bao nhiêu là ở dân hết.
|
Thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta cho thấy, nguồn gốc sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chăm lo giáo dục của các tổ chức chính trị, từ sức mạnh bên trong của Quân đội mà còn bắt nguồn từ sự đoàn kết giữa Quân đội và nhân dân, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Nhân dân chính là cội nguồn làm lên chiến thắng của Quân đội ta và dân tộc ta.
Trong giai đoạn hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế hiện nay, việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân dân là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tình cảm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp cần nhận thức đầy đủ, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấy rõ trách nhiệm của mình trong gìn giữ, củng cố tình đoàn kết quân dân. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống 70 năm QĐND Việt Nam Anh hùng “tình quân dân cá nước”, giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp của dân tộc ta sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tình hình mới.
Quân đội, Công an cùng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
- “Bộ đội Cụ Hồ” – một tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho Quân đội ta. Theo Chủ nhiệm, chúng ta cần làm gì để giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời gian tới?
+ “Bộ độ Cụ Hồ” từ lâu đã trở thành một danh hiệu cao quý trong xã hội ta. Đó là tên gọi thân thương, trìu mến mà nhân dân dành cho Quân đội, điều đó là sự khẳng định QĐND Việt Nam là quân đội của dân, do dân, vì dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, chiến đấu. “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là một hình tượng tập trung những phẩm chất cao đẹp nhất.
Trong giai đoạn mới, để giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chúng ta cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; không ngừng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội và đơn vị.
Tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Làm tốt công tác chính sách, công tác dân vận, công tác quần chúng. Bổ sung xây dựng chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và quân đội trong thời kỳ mới. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn xã hội trong giữ vững và phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”…
- Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo đang có những diễn biến rất phức tạp, cùng với đó là việc quân đội các nước trong khu vực tăng cường sức mạnh tự vệ. Chủ nhiệm cho biết quan điểm trong việc củng cố, xây dựng lực lượng Quân đội trước tình hình trên?
+ Một trong những vấn đề được cả xã hội quan tâm trong thời gian qua là xung đột, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo nhất là trên Biển Đông có liên quan đến Việt Nam, đặt ra vấn đề khả năng phòng thủ của đất nước bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tình hình trên đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho Quân đội về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong củng cố, xây dựng lực lượng Quân đội, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó các lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử và Trinh sát kỹ thuật hiện đại.
Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Coi trọng xây dựng Quân đội toàn diện, cả tổ chức biên chế và trang bị, trình độ chính quy và trình độ tác chiến, cả lực lượng thường trực và dự bị có cơ cấu, quy mô hợp lý theo hướng tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, xử lý tốt các tình huống, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Do đó, Quân đội đã có bước phát triển rõ rệt về tổ chức lực lượng, trang bị vũ khí phương tiện kỹ thuật; chất lượng tổng hợp, trình độ tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng cao.
Quân đội, Công an phối hợp tuần tra, giữ gìn an ninh, quốc phòng.
- Quan điểm hiện đại hóa Quân đội để tự vệ được thể hiện ra sao?
+ Chúng ta củng cố, xây dựng lực lượng Quân đội, từng bước hiện đại hóa Quân đội chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ, không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động gây hấn, xâm lược và kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
- Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, lực lượng Qụân đội ngoài huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì nhiệm vụ làm kinh tế quốc phòng cũng rất quan trọng. Vậy việc đẩy mạnh hoạt động này có ảnh hưởng gì đến khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu không?
+ Tham gia lao động sản xuất và làm kinh tế kết hợp quốc phòng là một nhiệm vụ, chức năng của Quân đội. Kết quả đạt được những năm qua đã khẳng định Quân đội tham gia vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế ngày càng có hiệu quả, phục vụ tốt sự nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện giảm quân số, từng bước bố trí lực lượng và tạo thế chủ động trên các địa bàn chiến lược, giải quyết chính sách hậu phương Quân đội…
Đẩy mạnh hoạt động kinh tế quốc phòng không ảnh hưởng đến khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, ngược lại còn tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội và khả năng phòng thủ của đất nước. Hoạt động kinh tế quốc phòng là nhiệm vụ của các binh đoàn, tổng công ty, tập đoàn, nhà máy, xí nghiệp. Còn các đơn vị thường trực, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu không tham gia hoạt động này.
- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”. Chủ nhiệm đánh giá gì về mối quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng hiện nay?
+ Thấm nhuần lời dạy của Người, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân luôn đoàn kết, phối hợp chăt chẽ trong xây dựng và chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Mối quan hệ đó được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia...
Đặc biệt, ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2010/NĐ-CP “về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cụ thể hóa thành các chỉ thị, thông tư liên tịch giữa hai Bộ, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp.
Quán triệt chỉ thị, nghị quyết trên, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã chủ động đoàn kết, phối hợp trao đổi thông tin; trên cơ sở đó, thống nhất nhận định, đánh giá để đề xuất và tham mưu cho Đảng, Nhà nước. Đồng thời triển khai các biện pháp đấu tranh nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hai lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đều có quy chế phối hợp, gần đây Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND và 70 năm Ngày truyền thống CAND, triển khai nhiều hoạt động cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác.
- Vậy những nội dung cần tăng cường sự phối hợp giữa hai lực lượng tới đây là gì, thưa Thượng tướng?
+ Trong thời gian tới, nhiều vấn đề cần tăng cường phối hợp như tham mưu với Đảng, Nhà nước trong việc bổ sung sửa đổi các luật, nghị định, thông tư phù hợp yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các phương án, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng Quân đội và Công an nhằm xử lý có hiệu quả với các tình huống phức tạp xảy ra.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định quan hệ phối hợp giữa Quân đội và Công an, phù hợp với từng lực lượng, từng đơn vị; cần quy định rõ nguyên tắc, cơ chế, nội dung, hình thức của quan hệ phói hợp để hoạt động của hai lực lượng ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường phối hợp công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân về kết quả bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch với âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang…
- Xin cảm ơn Thượng tướng!
“Chúng ta củng cố, xây dựng lực lượng Quân đội, từng bước hiện đại hóa Quân đội chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ, không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động gây hấn, xâm lược và kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”- Thượng tướng Ngô Xuân Lịch
Nguồn: cand.com.vn