Admin
Tăng cường công tác phòng, chống mua bán người
Lượt xem: 957
UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn số 2609/UBND-NC ngày 19/9/2022 để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống mua bán người.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện tiếp tục tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bình Phước về phòng ngừa đấu tranh với tội phạm mua bán người, trọng tâm là: Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2022…

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người nổi lên trong giai đoạn hiện nay, nhất là thủ đoạn dụ dỗ“việc nhẹ, lương cao”, chú trọng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không có lý do. Tập trung tuyên truyền nhóm hành vi: Mua bán người dưới 16 tuổi, môi giới, lừa đảo lao động, dẫn dắt đưa người xuất nhập cảnh trái phép để người dân nêu cao cảnh giác, không tin và nghe theo những lời mời gọi, dụ dỗ về những công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, không mất chi phí, đồng thời chú ý tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình đến làm việc… Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm mua bán người; tập trung triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người (như người đang trong độ tuổi lao động nhưng không có cơ hội tìm việc làm tại địa phương, mất việc làm do tác động của dịch bệnh Covid-19, người nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình éo le, trắc trở, hôn nhân đổ vỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình, người thiếu hiểu biết, có xu hướng đi làm ăn xa,... dễ bị các đối tượng mua bán người lừa gạt). 

Các đơn vị, lực lượng chuyên trách phòng, chống mua bán người như Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình địa bàn, cơ sở, tổ chức rà soát các trường hợp sang nước ngoài (Campuchia) làm việc, các trường hợp vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do, nghi bị mua bán; nhất là phụ nữ, trẻ em, người kết hôn với người nước ngoài có nghi vấn; đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa... để có các biện pháp hỗ trợ, giải cứu. Rà soát các đường dây, băng nhóm tội phạm có nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi phục vụ hoạt động tệ nạn xã hội, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép nhằm mua bán, cưỡng bức lao động... để đấu tranh, triệt phá. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Duy trì và phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật tại các thôn, ấp, nhất là tại các địa bàn, khu vực biên giới, thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép. Tập trung điều tra xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc có dấu hiệu liên quan đến mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người lao động Bình Phước đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai các tổ chức, doanh nghiệp được tổ chức đưa người lao động Bình Phước đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các loại chi phí người lao động phải chi trả. Tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, tư vấn học nghề, việc làm.. cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại Cơ sở trợ giúp xã hội, phối hợp với Cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú; trường hợp trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định, tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở ngoại vụ xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18/7/2022 giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…

                                                                      Phòng PV01 (TMCS)