Admin
Cảnh giác thủ đoạn giả danh cảnh sát PCCC lừa bán tài liệu
Lượt xem: 222
Gần đây một số chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Đồng Xoài nhận được điện thoại của các đối tượng tự giới thiệu là lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) để bán tài liệu. Các đối tượng đã lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin của một số người, thông qua dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ (Ship COD ) của bên thứ 3, chúng đã thực hiện thành công việc bán tài liệu với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Ngoài việc những người mua tài liệu bị mất tiền oan, thủ đoạn này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân.

Những cuộc gọi giả danh

Vợ chồng anh Đào Xuân Kiều, chị Tạ Thị Hạnh làm nghề kinh doanh quán cơm tại ấp 3, xã Tiến Hưng được hơn 2 năm nay. Mới đây, anh Kiều nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông lạ, tự xưng là người làm ở phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh gọi vào số điện của mình.

Anh Đào Xuân Kiều cho biết: Đầu tiên đối tượng gọi điện thoại rồi đọc tên, địa chỉ quán của mình thì mình cũng nghe, xong rồi đối tượng này xưng tên Trường bên PCCC tỉnh, và báo chuẩn bị có đoàn đến quán kiểm tra PCCC. Sau đó đối tượng bảo là gửi hồ sơ về cho mình để cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, tiền hồ sơ là hơn 3 triệu đồng sẻ trả trực tiếp cho người giao (shiper). Tôi thấy nghi nghi nên hỏi Công an xã, rồi lên hỏi ở bộ phận một cửa thì biết đó là thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu. Sau đó, đối tượng này có gọi điện lại cho tôi mấy lần nữa những tôi từ chối. Nhờ cảnh giác và chủ động xác minh lại thông tin nên vợ chồng anh Kiều đã không mắc mưu kẻ xấu.

Cũng như vợ chồng anh Kiều, bà Nguyễn Thị Thanh, 63 tuổi, chủ của 17 phòng trọ tại ấp 3, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài đã bị một người phụ nữ dùng thủ đoạn tương tự để lừa bán tài liệu PCCC. Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: Cô đó gọi cho tôi bốn, năm cuộc ấy, tôi không nghe, xong mãi sau tôi nghe thì cô ấy bảo: Chúng con bên đội phòng cháy chữa cháy, chúng con biết cô nhiều tuổi chúng con giúp đỡ cô, để cô có chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ PCCC mà không phải đi tập huấn. Chứ cô đi tập huấn cực khổ, phải leo dây, đeo bình, trèo leo, con biết cô sức khoẻ yếu nên không làm được. 

Không cảnh giác như anh Kiên, phần vì nhẹ dạ cả tin, phần vì đối tượng đánh trúng tâm lý nên bà Thanh đã dễ dàng mắc vào bẫy của chúng. Sau cuộc điện thoại ít ngày, bà Thanh nhận được gói tài liệu từ dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ Ship với giá tiền 3.250.000đ cho số tài liệu này, một số tiền cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.

Chúng nó nhắm vào những người già để nó lừa. Người già bây giờ mình tiếp cận thông tin chậm, không vào mạng được, không liên lạc được bên công an, giả sử như thanh niên thì người ta bấm máy người ta hỏi, nhưng chúng tôi không bấm nhanh được nên nó nhằm tôi nó lừa. Thôi mất hơn 3 triệu thì đó cũng gọi là bài học kinh nghiệm, bây giờ có gì thì tôi cứ phải hỏi bên xã, bà Thanh nhìn nhận.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các đối tượng giả danh lực lượng Công an thực hiện hành vi lừa đảo, phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp lực lượng Công an cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xấu thường sử dụng để người dân cảnh giác phòng ngừa. Đồng thời nêu rõ quy trình công tác của lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ khi tiến hành kiểm tra, tập huấn… Cụ thể, mỗi năm cơ quan công an sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh một lần và mỗi lần kiểm tra sẽ gửi thông báo trước 3 ngày làm việc, trong đó có những nội dung cần chuẩn bị; Thứ hai về huấn luyện nghiệp vụ PCCC để cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thì cơ quan công an cũng sẽ có thông báo về thời gian, địa điểm, khi đi tập huấn sẽ được cấp phát tài liệu và tài liệu đó dùng trong quá trình giảng dạy chứ không bán tài liệu.

Trung tá Nguyễn Minh Tàu, Đội trưởng đội Công tác phòng cháy, phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Qua các vụ việc trên cho thấy, các đối tượng lừa đảo hoạt động rất tinh vi,  trước khi thực hiện hành vi đã có sự tìm hiểu thông tin cá nhân thu thập địa chỉ, số điện thoại chủ cơ sở, sau đó dùng sim “rác” gọi điện, giả danh là cán bộ phòng Cảnh sát PCCC và CNCH yêu cầu đăng ký tham gia các lớp tập huấn để lấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ PCCC, đồng thời mời mua sách nghiên cứu…. Đặc biệt, chúng thường nhắm vào các cá nhân, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, để thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm trục lợi bất chính. Bên cạnh đó, chúng giả danh là những cán bộ, hoặc là người nhà của cán bộ có chức vụ của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH nhằm đánh vào yếu tố tâm lý của các chủ cơ sở kinh doanh sợ kiểm tra, xử phạt để bán tài liệu với giá “cắt cổ”. Cơ quan cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo với người dân, khẳng định đây là chiêu trò lừa đảo của các đối tượng. Mong rằng qua đây các cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp, người dân nâng cao cảnh giá và tuyên truyền cho người thân biết đây là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu, để cùng phòng ngừa chung.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ đoạn giả danh cảnh sát PCCC và CNCH để bán tài liệu nhằm thu lợi bất chính được các đối tượng xấu thực hiện ở nhiều địa phương chứ không riêng địa bàn thành phố Đồng Xoài, hay tỉnh Bình Phước. Để không bị mắc lừa, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Trước khi quyết định mua tài liệu hãy yêu cầu người bán cung cấp các thông tin cụ thể về họ tên, cấp bậc, chức vụ, cơ quan, đơn vị công tác để xác minh. Khi cần, người dân hãy báo tin đến các số điện thoại 02713888675 hoặc 02713885779 của Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh để được hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ.

Trung Sinh - Minh Chính



Bà Nguyễn Thị Thanh trình bày sự việc bị lừa bán tài liệu PCCC



Gói tài liệu được gửi đến bà Thanh qua hình thức dịch vụ giao hàng và thu tiền hộ