Kiên quyết trấn áp tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Không gian mạng ngày càng trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống xã hội, mang lại nhiều tiện ích vượt trội nhưng cũng tiềm ẩn những mặt trái ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Một trong những mối hiểm họa lớn nhất hiện nay chính là sự gia tăng chóng mặt của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là loại tội phạm nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn đe dọa trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào chính quyền và hệ thống pháp luật. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 3/4/2025, thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy lùi tội phạm trên không gian mạng.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Tội phạm mạng không còn là vấn đề xa vời mà đã trở thành mối lo thường trực với từng người dân, từng doanh nghiệp. Chúng hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, với thủ đoạn ngày càng tinh vi như giả danh cán bộ nhà nước, chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng, phát tán phần mềm độc hại, lập website giả mạo, sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm giả giọng nói, hình ảnh... Tất cả đều nhằm một mục tiêu duy nhất: chiếm đoạt tài sản và phá hoại an ninh xã hội. Thiệt hại do loại tội phạm này gây ra là không thể đong đếm được, không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng cả sự hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân.
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng
Nhằm kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an triển khai đợt cao điểm tổng tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung rà quét, triệt xóa các trang mạng, hội nhóm, tài khoản giả mạo, xử lý nghiêm các đối tượng đứng sau hành vi lừa đảo. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của ngành Công an mà còn là mệnh lệnh hành động đối với toàn bộ hệ thống chính trị.
Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ giám sát, trinh sát không gian mạng, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, các khu vực trọng điểm, nhằm ngăn chặn từ gốc rễ các hoạt động tổ chức, môi giới đưa người xuất nhập cảnh trái phép – mảnh đất màu mỡ cho các đường dây tội phạm công nghệ cao quốc tế hoạt động.
Một trong những điểm mấu chốt để triệt phá tội phạm mạng chính là kiểm soát chặt dòng tiền. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt hoạt động xác thực danh tính chủ tài khoản, triển khai các biện pháp kỹ thuật phân tích, cảnh báo sớm những giao dịch đáng ngờ, đặc biệt là những tài khoản có IP nước ngoài. Việc kết nối dữ liệu tài khoản với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là lá chắn hữu hiệu ngăn chặn tài khoản “ma”, giúp bóp nghẹt các đường dây rửa tiền qua ngân hàng.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các doanh nghiệp viễn thông cũng có vai trò trọng yếu trong việc xác thực, “làm sạch” dữ liệu thuê bao di động – công cụ phổ biến mà tội phạm công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo. Việc loại bỏ SIM rác, kiểm soát chặt thông tin thuê bao, đối chiếu với dữ liệu mở tài khoản ngân hàng là yêu cầu cấp thiết, không thể chậm trễ.
Nâng cao "miễn dịch" xã hội
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật, công tác tuyên truyền cần phải đi trước một bước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí, truyền thông phải đẩy mạnh thông tin về thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm mạng, giúp người dân nhận diện và phòng ngừa hiệu quả. Đây không chỉ là nhiệm vụ tuyên truyền mà còn là công cụ quan trọng để nâng cao “hệ miễn dịch” của xã hội trước tội phạm công nghệ cao.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi và xảo quyệt
Các địa phương cần chủ động sáng tạo trong cách làm, tổ chức các chiến dịch truyền thông sát thực tế, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là người già, người ít tiếp cận công nghệ - những “miếng mồi” thường bị nhắm tới nhiều nhất.
Công điện số 29/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là mệnh lệnh thúc giục toàn xã hội cùng hành động. Đây không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Công an mà còn là nhiệm vụ chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân. Mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác, chủ động trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình và cộng đồng trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Tại tỉnh Bình Phước, thời gian quan, Công an tỉnh cũng đã chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho người dân, nhất là các công nhân, người dân vùng sâu, vùng xa – nhóm dễ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý đối với loại tội phạm này.
Cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao không chỉ đòi hỏi trí tuệ, công nghệ mà còn là thử thách về bản lĩnh chính trị, về quyết tâm của toàn xã hội. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài hành động mạnh mẽ, kiên định, không khoan nhượng. Chỉ với tinh thần quyết liệt, sự đoàn kết và ý chí sắt đá, chúng ta mới có thể giữ vững an ninh trên không gian mạng – mặt trận không biên giới nhưng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.