Nguyễn Đạt
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân góp phần ngăn chặn lừa đảo, tống tiền và mạo danh trên không gian mạng
Thứ Tư, 14/05/2025
Lượt xem: 166
Tình trạng mua bán trái phép thông tin cá nhân đang trở thành một hoạt động “kinh doanh ngầm”, tiếp tay cho nhiều vụ lừa đảo qua mạng với thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hành lang pháp lý hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để xử lý triệt để vấn đề này. Trước thực trạng đó, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được Quốc hội đưa ra thảo luận mở ra bước ngoặt quan trọng trong việc phòng ngừa rò rỉ thông tin, bảo vệ quyền lợi và an toàn cho người dân trên không gian mạng.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân bảo vệ người dân khỏi lừa đảo
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được đánh giá là công cụ pháp lý cần thiết để xử lý, ngăn chặn hành vi thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép. Luật đề xuất mức xử phạt mạnh, từ 1–5% doanh thu hằng năm đối với doanh nghiệp vi phạm, tương đương các thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, dự thảo quy định 11 quyền cơ bản của chủ thể dữ liệu cá nhân, như quyền được biết, đồng ý, truy cập, phản đối, khiếu nại, yêu cầu bồi thường… Trong đó, quyền “được biết” được nhấn mạnh là một quyền con người. Dự thảo Luật cũng phân biệt rõ các trường hợp đặc biệt, như an ninh - quốc phòng hay tình huống khẩn cấp, trong đó cơ quan chức năng không bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo hay xin ý kiến đồng thuận từ chủ thể dữ liệu, nhằm không gây cản trở hoạt động điều tra.
Thời gian qua, một số đường dây lừa đảo xuyên quốc gia đã bị triệt phá, trong đó có vụ tổ chức lừa đảo tại khu vực biên giới Campuchia với quy mô gần 1.000 tỷ đồng. Các đối tượng thường được cung cấp danh sách số điện thoại cùng kịch bản lừa đảo theo chủ đề nóng, khiến người dân dễ sập bẫy. Nguồn dữ liệu phục vụ các hành vi này chủ yếu được thu thập từ mạng xã hội, ứng dụng hoặc các kênh thu thập không chính thống.
Một điểm đáng chú ý là dự thảo Luật cũng áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam, đảm bảo tính công bằng và hiệu lực pháp lý trong môi trường số.
Khi dữ liệu cá nhân trở thành tài sản số và là điều kiện để bảo vệ quyền con người, thì việc sớm ban hành và thực thi Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp thiết, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và củng cố niềm tin của người dân trong thời đại số.
Thu Thảo