“Thời gian gần đây, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trong đó, chủ yếu là trộm cắp xe máy, tài sản trong công sở, trường học; đập phá két sắt, cậy phá tủ nhà dân để trộm cắp tiền, vàng, tài sản... Đặc biệt, trong “tháng củ mật” cuối năm, tội phạm lại ra sức hoành hành. Vì vậy, toàn dân phải nâng cao cảnh giác để ngăn ngừa lòng tham” - đó là chia sẻ, cũng là đề nghị của Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh.
NHỮNG THỦ ĐOẠN CẦN CẢNH GIÁC
Đại tá Trần Thắng Phúc cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của tội phạm trộm cắp là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người dân, người quản lý, bảo vệ tài sản trong các cơ quan, doanh nghiệp. Cụ thể như không khóa cổ, khóa càng xe máy; để phương tiện ở những nơi không có người trông giữ. Cửa nhà, cửa tum khóa bằng các loại khóa không an toàn, thậm chí quên không khóa cửa nhà, cửa phòng làm việc; hoặc khóa cửa phòng, cửa nhà nhưng không khóa cửa sổ. Các cơ quan, doanh nghiệp, trường học không có lực lượng bảo vệ chuyên trách, bảo vệ lỏng lẻo; không lắp đặt hệ thống giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng; tường rào không đảm bảo; không thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản, nhất là vào ban đêm, ngoài giờ hành chính hay các dịp nghỉ lễ...
Tội phạm trộm cắp thường tập trung vào những thủ đoạn chủ yếu sau:
Thứ nhất: Đối với tội phạm đột nhập vào nhà dân, nhà trọ bình dân hoặc các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học để trộm cắp tài sản, trước khi gây án các đối tượng thường đến hiện trường để nắm tình hình nghiên cứu các phương tiện, thiết bị bảo vệ như tường rào, khóa cửa, thiết bị báo động, lối ra, vào, lực lượng tuần tra canh gác, quy luật đi lại, sinh hoạt của cán bộ, nhân dân; dò xét sơ hở để chọn thời gian, khu vực thực hiện trộm cắp.
Đối với gia đình khóa cửa, chúng thăm dò tìm hiểu chủ nhà hoặc người giúp việc để xem xét trước bằng việc gọi điện thoại (nếu có); bấm chuông hoặc gõ cửa liên tiếp để kiểm tra. Nếu không có ai trả lời điện thoại là chúng biết chủ nhà đi vắng, nếu có người trả lời thì chúng tắt máy hoặc nói là gọi nhầm máy.
Đối với gia đình mở cửa nhưng quan sát không thấy có người ở nhà, thì chúng tự nhiên vào như khách đến nhà để trộm cắp các loại tài sản gọn nhẹ như: máy tính, điện thoại, thậm chí là xe máy, tivi. Nếu gặp người trong nhà, chúng giới thiệu là nhân viên tiếp thị, vào nhầm nhà...
Một số trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người ở chung nhà, chung phòng, có mối quan hệ bạn bè hoặc người thân lợi dụng sơ hở của chủ tài sản không cất giữ, không bảo quản tài sản cẩn thận hoặc lợi dụng sự quen biết, tin tưởng, không đề phòng của chủ tài sản mà đối tượng nảy lòng tham chiếm đoạt tài sản cất giấu để sử dụng hoặc đem bán, cầm cố lấy tiền tiêu xài cá nhân. Cá biệt, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn dàn dựng tình huống để trộm cắp tài sản, như: tạo va chạm gây tai nạn giao thông trên đường, sau đó đồng bọn giả vờ đến giúp người bị nạn rồi nhân sơ hở trộm cắp tài sản. Nếu bị phát hiện, chúng sẽ cướp giật tài sản rồi bỏ chạy.
Thứ hai: Thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp xe máy chủ yếu là lợi dụng sơ hở của người quản lý xe máy không có người trông coi, chúng dùng van hoặc chìa khóa vạn năng phá khóa cổ và khóa điện xe máy để lấy phương tiện. Giả làm người giữ xe, để dắt trộm xe máy của khách ở những nơi công cộng như chợ, bến xe, nhà ga, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, dịch vụ khác cần phải gửi xe. Trộm cắp, làm giả thẻ giữ xe, đánh tráo, ghi thêm, xóa bớt vào vé xe, trên thân xe hoặc dùng biển số xe máy giả để trộm cắp xe máy ở bãi giữ xe...
NGĂN NGỪA LÒNG THAM LÀ GÓP PHẦN HẠN CHẾ TỘI PHẠM
Đại tá Trần Thắng Phúc chia sẻ: Có dịp công tác tại Bỉ, Hà Lan và một số quốc gia châu Âu, tôi nhận thấy tinh thần cảnh giác của người dân rất cao. Chỉ với 1 chiếc xe đạp, người ta vẫn trang bị 1 ổ khóa to, giá trị còn hơn cả xe đạp! Hỏi thì họ giải thích: “Vâng, rất có thể chiếc xe có giá trị không cao nhưng đó là cách để tội phạm không nảy sinh lòng tham!”. Từ chuyện xe đạp, chúng ta phải liên tưởng tới những tài sản giá trị khác. Ai cũng có ý thức phòng gian, bảo vệ tài sản thì tội phạm sẽ không có cơ hội ra tay! Bài học đơn giản này, chúng ta nên vận dụng. Cảnh giác cao là phương cách hữu hiệu nhất để mọi người cùng lực lượng công an đối phó với tội phạm. Nhân đây, tôi xin chia sẻ một số biện pháp cơ bản để phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản, rất mong toàn thể nhân dân thực hiện:
Một là, cán bộ và nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn chủ động tự quản lý và bảo vệ tài sản của mình. Đối với xe máy cần trang bị thêm khóa càng, khóa chữ U, khóa chân chống. Chú ý phải để xe ở những nơi có người trông coi; khi về nhà nên rút, cất chìa khóa điện, đưa xe máy vào trong nhà, không nên để xe trước sân hay hành lang.
Nhóm chuyên trộm cắp xe máy ở Chơn Thành bị bắt giữ cùng tang vật tháng 12-2015 - Ảnh tư liệu
Nhân dân cần gia cố nhà cửa, dùng khóa có chức năng chống trộm, “khóa trong” để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi; nên làm tường, rào ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà.
Hai là, cơ sở cần phòng ngừa, phát hiện bắt giữ các đối tượng trộm cắp tài sản; tổ chức các mô hình quần chúng tự quản, kịp thời phát hiện vây bắt đối tượng trộm cắp tài sản; đặt biển cảnh báo ở những nơi công cộng thường xuyên xảy ra mất trộm để mọi người cảnh giác, chủ động phòng ngừa trộm cắp.
Ba là, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị... cần bố trí bảo vệ 24/24 giờ; thường xuyên tập huấn chuyên sâu về kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp cho cán bộ, công chức cơ quan để nâng cao ý thức, cảnh giác phòng, chống trộm cắp.
Nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống giám sát an ninh, đèn chiếu sáng, hệ thống báo động, chống trộm, xây tường rào; thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị mình.
Bốn là, cán bộ và nhân dân tích cực tham gia tố giác các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Đang là dịp cuối năm, tình trạng trộm cắp trở thành vấn nạn ở nhiều nơi và một phần cũng từ sự chủ quan, lơ là... của người dân vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm. Vì vậy, rất mong mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác. Đó cũng là biện pháp thiết thực nhất hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong cuộc chiến đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, xây dựng xã hội an toàn.
Nguồn: Bình Phước Online