Admin
Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng: Giúp phạm nhân 'Gửi lời xin lỗi', hòa nhập cộng đồng
Lượt xem: 2654
Những phương pháp giáo dục mới, đậm tính nhân văn mà CBCS Cục C86 đã làm được trong năm 2014, được Bộ Công an Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

319 người chấp hành xong án phạt tù được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp, 4.803 phạm nhân được hướng nghiệp học nghề, 5.495 người được tư vấn pháp luật; gần 60.000 lượt phạm nhân được cấp phát thuốc miễn phí…là kết quả mà Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng (Cục C86), Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng giáo dục, cải tạo phạm nhân và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, hàng chục nghìn phạm nhân đã viết thư gửi lời xin lỗi thể hiện sự ân hận, quyết tâm làm lại cuộc đời cũng là một trong những phương pháp giáo dục mới, đậm tính nhân văn mà CBCS Cục C86 đã làm được trong năm 2014, được Bộ Công an Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

1. Nhớ lại hồi tháng 10, trong Hội nghị biểu dương kết quả xây dựng nhân rộng mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do Bộ Công an tổ chức, mọi người không khỏi xúc động khi nghe tâm sự của những người lầm lỗi đã vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ những người khác cùng hoàn lương và cả tâm sự của những người cả đời tâm huyết với việc giúp đỡ người lầm lỗi vươn lên làm lại cuộc đời.


Cán bộ Trại giam Ninh Khánh dạy chữ cho phạm nhân.

Như tâm sự của anh Nguyễn Thanh Tuấn, 38 tuổi, ở xã Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam – một người lầm lỗi từng chịu án 3 năm tù giam. Ra tù, không tiền, không công ăn việc làm, lại mặc cảm, nhưng nhờ sự động viên chia sẻ của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, từ đó, anh đã quyết tâm vươn lên, lấy lại niềm tin cho gia đình và xã hội.

Với số vốn ban đầu là 12 triệu đồng tiền bán bò của gia đình, anh đầu tư nuôi kỳ nhông, sau đó thấy con vật này dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao nên quyết định mở rộng quy mô. Chính quyền đã bảo lãnh cho anh vay gần 90 triệu để đầu tư làm trang trại. Cứ như thế, lấy ngắn nuôi dài, dần dần anh mở rộng sản xuất.

Đến nay, trang trại chăn nuôi của anh đã có hơn 10.000 con kỳ nhông cát, 7.000 con gà thịt, 10.000 cây ăn quả đã cho thu hoạch; anh được các trường trung cấp mời truyền đạt kiến thức; được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam tiêu biểu”; giải thưởng Lương Định Của; được Trung ương Hội Nông dân và nhiều cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen.

Phần giao lưu của anh Mai Xuân Chiến, Chủ tịch Hội doanh nhân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa cũng được mọi người đánh giá cao bởi đề án “Doanh nhân với ANTT” sau 5 năm hoạt động đã tập hợp, huy động được hơn 300 doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện tham gia, góp quỹ cho hơn 200 lượt người lầm lỗi vay hơn 4 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh; ngoài ra chính quyền và các doanh nhân còn bảo lãnh ngân hàng cho 160 lượt hộ người lầm lỗi vay quay vòng trên 20 tỷ đồng. Nhờ đó, tội phạm hình sự giảm 9%, tỷ lệ người lầm lỗi tái phạm chỉ còn 4%...

Những điển hình trên là kết quả công tác xây dựng và nhân rộng mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định 80/CP của Chính phủ…

2. Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục C86 cho biết, C86 đã tham mưu cho Tổng cục có kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, CBCS trong công tác quản lí, giáo dục phạm nhân, trại viên, giúp họ cải tạo tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.

Theo đó, C86 đã phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hành và đưa ra phương pháp, cách thức lập hồ sơ và xây dựng kế hoạch đối với phạm nhân, trại viên thường xuyên vi phạm, quán triệt đến các trại. Lực lượng Cảnh sát quản giáo được giao nhiệm vụ nòng cốt để thực hiện công tác này.

Các cán bộ quản giáo đã trực tiếp gặp gỡ, giáo dục thuyết phục từng phạm nhân, trại viên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức, vận dụng các quy định của pháp luật để phân tích, nêu rõ những việc nên làm, không nên làm, những tấm gương điển hình xuất sắc trong quá trình chấp hành án phạt tù để họ phấn đấu học tập, đồng thời kết hợp giữa kỷ luật, xử phạt nghiêm minh với giáo dục, thuyết phục, làm tốt công tác đánh giá xếp loại thi đua công khai, minh bạch, thực hiện tốt chế độ, chính sách pháp luật, tạo niềm tin cho phạm nhân, trại viên yên tâm cải tạo. Từ đó, hàng nghìn phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, được xếp loại khá, nhiều trại giam có cách làm sáng tạo, hiệu quả, được dư luận đánh giá cao.

3. Một phương pháp giáo dục mới, có sức lan tỏa, nhân văn trong ứng xử giữa con người với con người và cũng là cơ hội để phạm nhân bày tỏ sự ân hận về lỗi lầm của mình với người bị hại, thân nhân bị hại, với chính gia đình mình…đó là tạo điều kiện cho họ “Gửi lời xin lỗi”.

Qua 1 năm phát động, đã có hàng chục nghìn phạm nhân viết thư, bày tỏ sự ân hận về tội lỗi của mình, mong muốn được tha thứ và quyết tâm làm lại cuộc đời. Hàng chục nghìn bức thư ấy là nỗi niềm tâm sự của mỗi phạm nhân, trại viên, học sinh. Nhiều gia đình  bị hại, dù nỗi đau vô cùng lớn bởi người thân của mình bị tước đoạt tính mạng, nhưng khi nhận được thư xin lỗi, họ cũng cảm động, tha thứ.

Cùng với việc đổi mới phương pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân, Cục C86 đã làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện tốt việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với phạm nhân, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần làm tốt công tác giáo dục phạm nhân và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng…

  Nguồn: cand.com.vn