Dự thảo quy định về biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế trong Công an nhân dân
Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế đối với công nhân công an, người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an đang công tác, học tập trong Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Thông tư gồm 03 chương, 12 điều quy định biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế đối với công nhân công an, người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên công an hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam, công nhân công an đang công tác, học tập trong Công an nhân dân, gồm: Mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng bảo hiểm y tế; kê khai, lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy định biện pháp thực hiện bảo hiểm y tế đối với công nhân công an, người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an.
Mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
Dự thảo Thông tư quy định mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng được xác định theo tỉ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng) hoặc mức tham chiếu áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 51/2024/QH15, cụ thể:
1. Đối với đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này thực hiện như sau:
a) Bằng 4,5% của tiền lương tháng, trong đó Công an đơn vị, địa phương đóng 03%, người lao động đóng 1,5%.
Đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm đóng của Công an đơn vị, địa phương (người sử dụng lao động) do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đối với người lao động không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì số tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm đóng của Công an đơn vị, địa phương được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Trường hợp người lao động có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế thực hiện theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
c) Trong thời gian đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư này nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày hoặc nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng hoặc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% mức tham chiếu. Công an đơn vị, địa phương có trách nhiệm lập danh sách người tham gia bảo hiểm y tế gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để thực hiện ghi thu và quyết toán với Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
d) Trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì thực hiện đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
2. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này bằng 4,5% mức tham chiếu. Ngân sách nhà nước đảm bảo đóng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của cán bộ, chiến sĩ và thân nhân của công nhân công an hưởng lương ngân sách nhà nước; kinh phí đóng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của công nhân công an không hưởng lương ngân sách nhà nước do Công an đơn vị, địa phương đóng và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư này bằng 4,5% mức tham chiếu và Công an đơn vị, địa phương đóng từ nguồn sau:
a) Đối với học sinh có quốc tịch Lào, Campuchia sử dụng nguồn kinh phí đào tạo theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 75/2023/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào, Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam;
b) Đối với học sinh là người Việt Nam do ngân sách đảm bảo.
4. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Thông tư này bằng 4,5% mức tham chiếu, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng bảo hiểm y tế, phần còn lại do cá nhân tự đóng. Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức tham chiếu thì người tham gia bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức tham chiếu đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.
Phương thức đóng bảo hiểm y tế
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định phương thức đóng bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
1. Hằng tháng, cùng thời điểm trả lương, Công an đơn vị, địa phương thực hiện trích đóng và đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng quy định tại điểm a, b và thân nhân của công nhân công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng phải chuyển đủ số tiền đóng bảo hiểm y tế của tháng đó.
2. Trong 15 ngày đầu mỗi quý, Công an đơn vị, địa phương thực hiện chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế trong quý của đối tượng quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư này (trừ đối tượng là thân nhân của công nhân công an) cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chậm nhất ngày 31 tháng 12 phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế của năm đó.
3. Định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần, Công an đơn vị, địa phương thực hiện thu tiền đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng của đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Thông tư này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế.
4. Một số trường hợp cụ thể:
a) Cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an chuyển vùng công tác, đi học tập trung tại các trường Công an nhân dân, tốt nghiệp ra trường, chuyển trường, xin thôi học về đơn vị cũ, đơn vị nơi chuyển đi có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an đến hết ngày cuối cùng của tháng chuyển đi, đồng thời có văn bản thông báo cho đơn vị tiếp nhận cán bộ có trách nhiệm lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân từ tháng tiếp theo;
b) Khi cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an thôi phục vụ Công an nhân dân, Công an đơn vị, địa phương đóng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của cán bộ, chiến sĩ, công nhân công an đến hết ngày cuối cùng của tháng thôi phục vụ; đồng thời lập danh sách gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế giảm thẻ từ sau tháng thôi phục vụ;
c) Đối với học sinh lớp 12; học sinh, sinh viên hệ dân sự năm thứ nhất và năm cuối khóa học thực hiện đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian 60 ngày.