Học viện ANND hướng tới mục tiêu cơ sở giáo dục đại học trọng điểm
Học viện An ninh nhân dân (ANND) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của lực lượng Công an.
Ngày 12/6/2013, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định phê duyệt Đề án thành phần số 2 - phát triển Học viện ANND thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an vào năm 2015 và trọng điểm quốc gia vào năm 2020.
Theo đó, Học viện ANND đã xây dựng Dự án phát triển nguồn nhân lực của Học viện đến năm 2020. Đây là những cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của Học viện trong thời gian tới.
Những năm trước đây, đội ngũ giáo viên của Học viện ANND chủ yếu tuyển chọn từ học viên tốt nghiệp các học viện, trường CAND, hiện nay nguồn tuyển được mở rộng hơn, kết hợp giữa tuyển chọn trong Công an với các cơ sở đào tạo ngoài lực lượng theo từng chuyên ngành tuyển chọn; đồng thời mở rộng đối tượng tuyển chọn như cán bộ từ các đơn vị thực tiễn, cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ... để bổ sung cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu công tác.
Năm 2010, đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ trên đại học của Học viện mới có 110 đồng chí, đến nay, Học viện đã có 323 cán bộ, giáo viên có trình độ trên đại học (tăng gấp 3 lần so với năm 2010), trong đó 68 tiến sĩ (có 5 giáo sư, 20 phó giáo sư) và 255 thạc sĩ.
Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng đa dạng hơn, kết hợp đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài. So với nhiệm kỳ trước, số lượng cán bộ, giáo viên được cử đi đào tạo ngày càng tăng. Riêng năm 2014, Học viện cử đi đào tạo sau đại học 92 trường hợp (nghiên cứu sinh 35 và thạc sĩ 57).
Sinh viên Học viện An ninh nhân dân trong một buổi thảo luận.
Cùng với việc cử nhiều cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước, Học viện đã khai thác có hiệu quả các đề án, dự án của Nhà nước về đào tạo sau đại học ở nước ngoài; tăng cường đào tạo về ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, kết hợp với luân chuyển giáo viên nghiệp vụ đến công tác tại Công an các đơn vị, địa phương và cử giáo viên đi công tác thực tế nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện.
Nhìn chung, đội ngũ giáo viên của Học viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của ngành; được đào tạo cơ bản, toàn diện cả về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức sư phạm, trình độ ngoại ngữ, kiến thức thực tế nên năng lực công tác được nâng lên rõ rệt.
Nhiều giáo viên trẻ đã chủ trì, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ; biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu dạy học cho các cấp học. Số lượng giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi ngày một tăng, ngày càng xuất hiện nhiều giáo viên trẻ có triển vọng, năng lực trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.
Tuy nhiên, so với yêu cầu xây dựng Học viện thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Học viện còn gặp những khó khăn cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu chưa hợp lý và có sự hẫng hụt về đội ngũ.
Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, theo quy mô đào tạo mới đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện ANND đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt xây dựng đội ngũ giáo viên của Học viện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Học viện trong thời gian tới. Trong đó, nhận thức rõ công tác phát triển nguồn nhân lực phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, lãnh đạo các cấp. Coi trọng công tác tuyển dụng đầu vào và làm tốt công tác phân loại chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Chất lượng đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định chất lượng công tác đào tạo. Ưu tiên tuyển chọn những trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc và những trường hợp có học hàm, học vị cao, có năng khiếu và khả năng sư phạm tốt để bổ sung cho đội ngũ giáo viên của Học viện; tổ chức phân loại chất lượng đội ngũ giáo viên để xây dựng hướng đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.
Đối với những giáo viên có triển vọng phát triển, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng toàn diện để xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn đảm đương chính công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị giảng dạy, đồng thời để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận lâu dài. Đối với những giáo viên có hạn chế về năng lực sư phạm, khả năng giảng dạy, được điều động đến các bộ phận khác cho phù họp với năng lực, sở trường cán bộ.
Song song với việc cử đi đào tạo tại các cơ sở trong nước, trong những năm gần đây, Học viện luôn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Chính trị CAND và các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để khai thác tối đa nguồn đào tạo theo các dự án và đề án của Nhà nước, đặc biệt là các dự án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Từ năm 2010 đến nay, Học viện đã cử đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài 20 đồng chí. Hiện nay, Học viện đang tích cực khai thác và triển khai công tác đào tạo sau đại học tại nước ngoài, trong đó đã báo cáo Bộ Công an để hợp tác với Cơ quan An ninh Liên bang Nga về đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nghiệp vụ an ninh cho giáo viên nghiệp vụ.
Kết hợp đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ với đào tạo ngoại ngữ, tin học, trình độ sư phạm và kiến thức thực tế, Ban Giám đốc Học viện có chủ trương đối với sinh viên tốt nghiệp tại Học viện được điều động làm cán bộ, giáo viên, Học viện cử ngay đi học IELTS và tin học MOS tập trung trong thời gian khoảng 6 tháng theo hình thức xã hội hóa (người học phải tự túc kinh phí), sau đó phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức thi đánh giá kết quả, nhằm trang bị cho đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ để chủ động trong đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài và nghiên cứu các tài liệu của nước ngoài phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Một biện pháp nữa rất có ý nghĩa, là đẩy mạnh phong trào thi đua dạy giỏi, tạo không khí thi đua lành mạnh trong dạy và học; qua đó đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là trung tâm đào tạo đại học trọng điểm của lực lượng CAND và tiến tới trọng điểm của quốc gia.
Nguồn: cand.com.vn