Admin
Những nội dung mới của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
Lượt xem: 1779
Luật Cư trú năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 (sau đây gọi chung là Luật Cư trú) được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.
 


Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết với những lý do cụ thể sau đây: Thứ nhất, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; Thứ hai, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; Thứ ba, thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; Thứ tư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú. 

 Vì vậy, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) (gọi tắt là Dự thảo Luật) gồm 07 chương, 43 điều. Dự thảo Luật đã bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú; quy định trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, cụ thể như sau: 

- Về giải thích từ ngữ: Đây là nội dung mới được bổ sung trong dự thảo Luật, trong đó quy định giải thích một số thuật ngữ liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú gồm: Chỗ ở hợp pháp; chủ hộ; cư trú; Cơ sở dữ liệu về cư trú; Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; lưu trú; người không có nơi cư trú ổn định; nơi thường trú; nơi tạm trú; quản lý nhà nước về cư trú.

-  Về các hành vi bị nghiêm cấm: Dự thảo Luật lược bỏ một số nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu; đồng thời, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới quy định tại dự thảo Luật.

- Về quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú: Bên cạnh các quyền theo luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung một số quyền để phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và hình thức quản lý cư trú mới. Theo các quy định này, công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân; được yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình…

- Về nơi cư trú của công dân: Dự thảo Luật quy định nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân thì nơi cư trú của công dân là địa bàn xã, phường, thị trấn nơi người đó đang sinh sống. 

- Về quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú: Dự thảo Luật bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú tại Điều 20 để bảo đảm quản lý tốt hơn đối với nhóm người này.

- Dự thảo Luật quy định rõ hơn các trường hợp không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới. 

- Về quy định nơi cư trú của người chưa thành niên, người được giám hộ, của vợ, chồng, của học viên, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, của người làm nghề lưu động có một số chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn.

 - Về đăng ký thường trú: Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về đăng ký thường trú bằng hình thức cấp Sổ Hộ khẩu theo định hướng của Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. 

- Về xóa đăng ký thường trú: Dự thảo Luật quy định rõ hơn các trường hợp xóa đăng ký thường trú. 

- Về tách hộ và thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân, dự thảo Luật có quy định rõ hơn tại Điều 22 Luật Cư trú (sửa đổi).

- Về đăng ký tạm trú: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng thay thế quy định về đăng ký, quản lý tạm trú bằng hình thức Sổ Tạm trú bằng việc cập nhật thông tin về nơi đăng ký tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trách nhiệm thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú trên các cơ sở dữ liệu này của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú.

- Về lưu trú, thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng: Dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định còn phù hợp của Luật hiện hành về lưu trú và thông báo lưu trú. Đối với việc khai báo tạm vắng, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định rõ các trường hợp cần khai báo tạm vắng.

- Về công tác quản lý nhà nước về cư trú: Dự thảo Luật đã cập nhật, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, UBND các cấp, của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú và người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú trong việc đăng ký, quản lý cư trú gắn với việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 

- Về hủy bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật: Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật thì thủ trưởng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cấp trên trực tiếp có trách nhiệm hủy bỏ việc đăng ký đó. 

- Về Cơ sở dữ liệu về cư trú: Dự thảo Luật quy định Cơ sở dữ liệu về cư trú là tài sản quốc gia do Bộ Công an thống nhất quản lý, được xây dựng tại các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú.

- Về điều khoản thi hành: Dự thảo Luật bổ sung 01 điều để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú; đồng thời, bổ sung nội dung chuyển tiếp để quy định giá trị pháp lý của Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú theo hướng: Đối với các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.



- Về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương

Luật Cư trú hiện hành quy định thêm các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

- Bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú

Luật Cư trú hiện hành quy định 05 trường hợp xóa đăng ký thường trú. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và tăng cường công tác quản lý cư trú được chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú) tác động đến công tác hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội của địa phương, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, dự thảo Luật bổ sung 04 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký lại nơi thường trú ban đầu khi trở về địa phương sinh sống. Việc xác định thời điểm 12 tháng liên tục vắng mặt tại nơi thường trú của công dân được thực hiện qua công tác kiểm tra về cư trú của Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, đã có quy định cụ thể về việc khai báo trong trường hợp này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho công dân (như khai báo qua mạng, qua điện thoại, qua khai báo trực tiếp). Trước đây, tại Nghị định số 51-CP ngày 10/5/1997 của Chính phủ cũng có quy định người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá 06 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong Sổ Hộ khẩu; khi trở lại phải khai xin đăng ký lại hộ khẩu thường trú theo quy định.
Mong rằng Dự thảo Luật sớm được ban hành để tạo điều kiện thuận lợi tối đa giúp người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, tạo chuyển biến trong giải quyết các thủ tục giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Nguyễn Đức Hiếu