Sau nhiều năm triển khai, có thể khẳng định, phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” đã thực sự là phong trào xuyên suốt trong tuổi trẻ CAND.
Thông qua phong trào, tổ chức đoàn các cấp đã tạo được môi trường, động lực thúc đẩy đoàn viên thanh niên (ÐVTN) phát huy tinh thần xung kích, mưu trí, sáng tạo, tình nguyện trong công tác, chiến đấu, học tập và rèn luyện, lập nên nhiều chiến công, góp phần cùng toàn lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
"Để những chuyến bay đi, nụ cười ở lại”
Một trong những nhiệm vụ chính của Cục Quản lý xuất nhập cảnh là công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế. Cán bộ, chiến sỹ làm việc tại đây là những người đầu tiên, cũng là những người cuối cùng đón, tiễn người nước ngoài và đồng bào ta mỗi lần xuất nhập cảnh Việt Nam.
|
Tư thế, tác phong của lực lượng Công an cửa khẩu tại địa bàn sân bay quốc tế
để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè nước ngoài. |
Phong cách làm việc và văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, chiến sỹ sẽ phản ánh hình ảnh con người Việt Nam, góp phần hình thành giá trị về văn hóa Việt Nam trong sự cảm nhận của đồng bào ta và bạn bè quốc tế.
Nhận thức vấn đề này, với tinh thần “Ðể những chuyến bay đi, nụ cười ở lại”, năm 2016, Ðại úy Ngô Minh Tú, Bí thư Ðoàn Thanh niên Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã cùng Ban Chấp hành Ðoàn Thanh niên đơn vị chủ động nghiên cứu, thực hiện công trình thanh niên mang tên “Xây dựng hình ảnh mẫu về tư thế, tác phong và ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi thực nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay”.
Sau khi nghiệm thu, công trình đã được ban hành thành quy định triển khai thực hiện tại tất cả các Công an cửa khẩu sân bay quốc tế do Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Việc thực hiện quy định trên đã thực sự đem lại hiệu quả tích cực, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn sân bay và hành khách đánh giá người cán bộ Công an cửa khẩu là ân cần, lịch sự, chính quy, uy nghiêm, tạo nhiều thiện cảm; thực sự đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sỹ CAND vì nhân dân phục vụ…
Chị Samantha Parramore, quốc tịch Anh cùng gia đình trong chuyến du lịch Việt Nam tháng 6 vừa qua đã bày tỏ sự ấn tượng trước thái độ ân cần, lịch sự của cán bộ An ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ vì chút đãng trí, chị đã quên túi đồ ngoài ga chờ. Sau khi nhận được tin báo, cán bộ, chiến sỹ tại đây đã nhanh chóng tìm lại túi đồ bỏ quên cho chị. Không những nhận lại toàn bộ hành lý thất lạc, chị Samantha Parramore và gia đình còn được cán bộ, chiến sỹ niềm nở giới thiệu sơ qua những địa danh nơi hành trình chị đang dự kiến đến…
“Tôi vui vì phong cách làm việc nhanh, chuyên nghiệp của cán bộ an ninh Việt Nam và ấn tượng khi thấy các cán bộ an ninh thực hiện động tác chào theo Ðiều lệnh khi giao ca. Chúng tôi cảm thấy mình được chào đón trân trọng và cảm nhận một sự khác biệt so với các nước khác...” – chị Samantha Parramore chia sẻ.
Anh Ryan, quốc tịch Indonesia tới trình báo với các cán bộ An ninh cửa khẩu trong tâm trạng lo lắng và buồn bã vìtrong quá trình di chuyển để làm thủ tục, anh đã đánh rơi ví đựng tiền và một số giấy tờ cá nhân quan trọng. Chỉ một giờ sau, đón nhận lại số tiền hơn 3.000 USD cùng các vật dụng cá nhân bị đánh rơi, anh Ryan vui sướng không tin vào mắt mình.
Bên cạnh những việc làm ý nghĩa như tìm lại tài sản cho du khách, tuổi trẻ Cục Quản lý xuất nhập cảnh còn thường xuyên tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, thăm hỏi, sẻ chia khó khăn với các gia đình chính sách, các em học sinh nghèo.
Nâng bước em đến trường
Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi có mặt tại Sơn La đi cùng Ban Giám thị và tuổi trẻ Trại giam Yên Hạ tới thắp nén nhang cho Thượng úy Lường Ðức Tuần, nguyên cán bộ quản giáo Trại giam Yên Hạ, bị mất do lũ cuốn trôi cuối năm 2018.
Trong căn nhà sàn đồng bào người Thái nằm sâu heo hút dưới chân núi bản Tường Hợp, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, nhìn cháu lớn Lường Thị Hoàn Châu, 4 tuổi, bị mắc bệnh chậm phát triển cứ liên tục đòi bế không chịu rời trên tay chị Hà Thị Phưởng (vợ Thượng úy Lường Ðức Tuần), cháu Lường Linh Lâm, 3 tuổi chốc chốc lại chỉ lên di ảnh, “đòi ba” khiến các thành viên trong đoàn lòng thắt lại.
“Hai vợ chồng cưới nhau, niềm vui đón con đầu lòng chưa tày gang thì bác sĩ báo cháu bị mắc bệnh chậm phát triển. Gia đình hai bên đều nghèo nên không thể nhờ cậy vào ai, tất cả đồng lương của anh Tuần, bọn em đều dè dặt chi tiêu để có tiền chữa bệnh cho cháu. Giờ anh bỏ ba mẹ con đi như này, em không biết phải làm thế nào…” – chị Phưởng chia sẻ.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ngoài nhận chăm sóc, đỡ đầu các cháu, lãnh đạo Ban Giám thị Trại giam Yên Hạ đã quyết định ký hợp đồng lao động với chị Hà Thị Phưởng làm nhân viên cấp dưỡng tại đơn vị. Hằng ngày, cô gái trẻ 24 tuổi vẫn dậy từ 4h30 sáng, tranh thủ làm việc nhà, nấu đồ ăn cho gia đình rồi vội vã đến cơ quan.
Theo lãnh đạo Ban Giám thị Trại giam Yên Hạ, việc ký hợp đồng lao động với chị Hà Thị Phưởng không chỉ giúp tăng thu nhập cho gia đình mà còn là tạo điều kiện cho anh, chị em đơn vị có nhiều cơ hội gặp gỡ để động viên, chia sẻ khó khăn với gia đình đồng chí, đồng đội. Hiện ngoài nhận đỡ đầu các con của Thượng úy Lường Ðức Tuần, đơn vị cũng đang rà soát các trường hợp thật sự khó khăn để có các giải pháp giúp đỡ thích hợp…
Vừa nhìn thấy đoàn công tác, thấy Thượng úy Trịnh Ngọc Vương, Bí thư Ðoàn Thanh niên Trại giam Thanh Cẩm (Bộ Công an) và Ðại úy Phạm Thị Vân, cậu bé Nguyễn Bảo Nam (7 tuổi), học sinh lớp 2C, Trường Tiểu học Thanh Cẩm, Thanh Hóa reo lên vui sướng.
|
Ðoàn công tác Trại giam Thanh Cẩm tới thăm hỏi, động viên và trao quà tặng gia đình em Nguyễn Bảo Nam. |
Mẹ mất sớm, bố bỏ đi làm ăn xa bặt vô âm tín để lại Nam và chị gái (9 tuổi) ở cùng bà ngoại trong căn nhà cấp 4 với tài sản giá trị nhất có lẽ là chiếc tivi cũ kỹ theo thời gian.
Ðã từ lâu, gia đình ba bà cháu Nam coi cán bộ, chiến sỹ đơn vị Trại giam Thanh Cẩm là những người thân, Thượng úy Trịnh Ngọc Vương và Ðại úy Phạm Thị Vân còn là những người thầy, bởi không chỉ hỗ trợ kinh phí đều đặn hằng tháng giúp sự học cho các em không bị ngắt quãng mà các cán bộ, chiến sỹ còn sớm tối đến kiểm tra bài vở, dạy dỗ Nam trong học tập, cuộc sống.
Thượng tá Ðàm Minh Phong, Giám thị Trại giam Thanh Cẩm cho biết, Nam là một trong những em mà Trại giam Thanh Cẩm đang nhận giúp đỡ theo đề án “Cùng em đến trường” của Ðoàn Thanh niên Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.
Ngay khi nhận được kế hoạch, đơn vị đã giao cho Ðoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các trường hợp cần giúp đỡ để các em tiếp bước, đến trường. Ngoài ra, xuất phát từ thực tế trong quá trình quản lý phạm nhân, nếu trong số những gia cảnh phạm nhân, phát hiện các trường hợp nào thật sự khó khăn, cần thiết, đơn vị cũng tổ chức giúp đỡ…
Ðược biết, sau khi Ðoàn Thanh niên Bộ Công an ban hành đề án “Tuổi trẻ CAND hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tới trường”, gọi tắt là đề án “Cùng em đến trường”, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng là một trong những đơn vị triển khai sâu rộng và có nhiều dấu ấn sáng tạo, không chỉ góp phần khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, đồ dùng học tập… để các em được đến trường; giảm tỷ lệ thiếu niên, nhi đồng không được đi học, có nguy cơ phải nghỉ học mà trực tiếp cán bộ các đơn vị trại giam trực thuộc Cục còn thường xuyên tới nhà thăm hỏi, thậm chí dành thời gian để dạy học cho các em.
Hiện đơn vị đang nhận đỡ đầu cho hơn 100 em học sinh. Ngoài nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND, đây là điểm sáng rõ nét, nổi bật về hình ảnh tuổi trẻ CAND xung kích, tình nguyện trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Nguồn: CAND Online