Admin
Việt Nam và Campuchia đàm phán Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù
Lượt xem: 998
Từ ngày 17 đến 19-3 tại Xiêm Riệp, Campuchia, Đoàn đàm phán Việt Nam và Đoàn đàm phán Campuchia tiến hành đàm phán vòng hai dự thảo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Campuchia. 

Đoàn Đàm phán Việt Nam gồm đại diện của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; do Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Trưởng đoàn.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh và Ngài Hy Sophea ký tắt dự thảo Hiệp định và Biên bản ghi nhớ.

Đoàn đàm phán Campuchia gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Tòa án tỉnh Xiêm Riệp, Viện công tố tỉnh Xiêm Riệp; do Ngài Hy Sophea, Quốc vụ khanh, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn.

Kết thúc đàm phán, hai Bên đã thống nhất toàn văn dự thảo Hiệp định, ký tắt dự thảo Hiệp định và ký Biên bản ghi nhớ; nhất trí sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để đề xuất cấp có thẩm quyền của hai Nhà nước ký Hiệp định trong thời gian thích hợp

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng có 9 tỉnh biên giới chung, 9 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch đi lại thuận lợi…

Trong hợp tác phòng, chống tội phạm, hai nước cùng là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, 3 công ước quốc tế về phòng, chống mua bán trái phép ma túy, Công ước ASEAN về chống khủng bố, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em...

Về hợp tác song phương, hai nước đã ký Hiệp định về dẫn độ (ký ngày 26/12/2013, có hiệu lực từ ngày 9/4/2014) và đã ký tắt Hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự.

Việc kết thúc đàm phán tiến tới ký Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù sẽ góp phần tăng cường cơ sở pháp lý để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung, hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước nói riêng. Ký kết và thực hiện Hiệp định này còn thể hiện tình thần nhân văn, chính sách nhân đạo và trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân mình.

Nguồn: CAND Online