Admin
Chuyện quanh phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ thảm sát tại Bình Phước
Lượt xem: 1105
Quy mô, sự chuẩn bị kỹ càng trong công tác đảm bảo an ninh, sự cởi mở trong tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp… là những dấu ấn đáng ghi nhận trong phiên tòa thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận. Hình ảnh hàng ngàn người dân, ròng rã đội cái nắng chát chúa, chịu đựng những cơn gió quẩn bụi phả thẳng vào mặt đến nghẹt thở, rồi lại tiếp tục kiên trì đứng trong sương chiều tới tận 8 giờ tối để chờ phút giây tòa tuyên án… là điều ít ai có thể hình dung.

1. Phiên tòa hình sự lưu động. Đó là một trong những thuật ngữ cánh phóng viên nội chính không lấy làm hào hứng cho lắm. Do mang tính địa phương, các phiên tòa lưu động thường khiến cánh phóng viên không mấy mặn mà.

23 giờ đêm trước ngày phiên tòa diễn ra,
Tổ công tác đặc biệt của Công an huyện Chơn Thành thực hiện bảo vệ mục tiêu.

Cũng không thể đòi hỏi một sự tranh tụng quyết liệt, bởi những yếu tố ngoại cảnh là rất quan trọng. Thử đặt trong hoàn cảnh phải tranh cãi những điều, những khoản, những mục, những tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ… mà nó gắn liền với tính mạng, sức khỏe, sự tự do, kèm thêm đằng sau là biết bao sự ly tán của gia đình, của số phận… đang đứng ngay xung quanh mình, có thể cảm nhận cụ thể hàng ngàn ánh mắt đang chú mục vào mình với đầy đủ cung bậc cảm xúc, áp lực của các vị luật sư rõ ràng là có thể thông cảm.

Ngay trước khi phiên tòa xét xử lưu động này diễn ra, đã có nhiều luồng dư luận quan ngại về tính khách quan của một phiên tòa lưu động. Thậm chí ngay trong cánh phóng viên nội chính theo dõi thường xuyên các phiên xử án, nhiều người coi việc không tham dự, hay không bình luận về phiên tòa… là một hình thức thể hiện thái độ của mình.

Các luật sư được đánh giá là đã hành nghề rất nghiêm túc,
tranh luận bình đẳng và khách quan với đại diện Viện Kiểm sát để bảo vệ quyền lợi
của thân chủ, một biểu hiện rõ ràng của tinh thần cải cách tư pháp.

…Nhưng trước khi thời điểm phiên tòa xét xử vụ thảm án ở Bình Phước diễn ra, mới 7 giờ sáng, hơn 100 phóng viên và cộng tác viên của tất thảy các đầu báo in, báo mạng, báo hình… đã có mặt. Thậm chí, Kênh truyền hình Quốc phòng còn tiến hành truyền hình trực tiếp phiên tòa xét xử. Bất kỳ người dân ở đâu đều có thể theo dõi toàn bộ diễn biến chi tiết của phiên tòa trên truyền hình, hoặc qua kênh thông dụng hơn là Youtube.

Không chỉ có mặt lúc phiên tòa diễn ra. Cánh báo chí, những người đã từng theo sát vụ thảm sát tại Bình Phước từ những ngày đầu, thậm chí còn có mặt từ trước đó, để bám sát những diễn biến tinh thần của người nhà nạn nhân. Ngay cả khi phiên tòa kết thúc lúc gần 20 giờ, nhiều người vẫn tiếp tục ở lại Chơn Thành, để quay lại gia đình nạn nhân một lần nữa.

2. Những diễn biến nội tâm nghề nghiệp, hay tranh luận về đạo đức làm báo của cánh phóng viên, có vẻ như chẳng hề liên quan gì đến sự quan tâm đến sự nhiệt thành và tò mò của những người dân thường. Đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi địa phương đủ mọi giai tầng, họ đổ về Trung tâm hành chính huyện Chơn Thành để theo dõi phiên tòa. Nhiều người, đơn giản chỉ là để nhìn tận mắt những bị cáo, "để xem mặt mũi nó ra sao mà ác vậy?".

Có mặt tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1965, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết, từ khi xảy ra vụ án, gia đình ông liên tục theo dõi quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan chức năng. Từ tờ mờ sáng, người đàn ông hành nghề phụ hồ này đã cùng 6 người thân vượt gần 100km bằng xe máy đến đây dự phiên xét xử.

Nắng nóng và gió bụi không ngăn cản được người dân tập trung theo dõi tình tiết phiên tòa.

Còn ông Võ Văn Sơ (65 tuổi, ngụ huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), cho hay, ông cùng gia đình dậy sớm nôn nóng đi xem pháp luật trừng trị nhóm sát nhân này. Người lớn tuổi tham dự phiên tòa công khai như ông Sơ, không phải là hiếm. Có rất nhiều cụ ông, cụ bà tuổi đã ngoài thất thập, nhưng vẫn kiên trì đội nắng, hứng bụi, ngồi theo dõi từ đầu đến cuối phiên tòa.

Và sự tham dự kiên trì, nhiệt thành của những người dân mới là hình ảnh ấn tượng và xúc động nhất của phiên tòa lưu động diễn ra tại huyện Chơn Thành.

Thời tiết ở Bình Phước những ngày này rất khó chịu. Nắng chang chang phả xuống đầu những người đứng xem. Người thì ngồi xuống trùm áo làm mũ, người thì đứng lên che nắng cho những người lớn tuổi đã ngồi xuống, mượn tạm tấm bạt ở quán nước che đầu. Đám thanh niên thì leo cả lên cây ngồi cho có bóng mát, nhưng không ai bỏ về.

Thân nhân gia đình bị hại đau đớn nghe các bị cáo kể về hành vi phạm tội.

Nắng chỉ là một sự khổ sở. Do Hội đồng xét xử (HĐXX) dự tính người tham dự khá đông, mà tòa án huyện lại nhỏ, nên đã lựa chọn phương án dời ra mảnh đất trống bên trong khu hành chính. Mảnh đất bạc màu rộng 4ha lổn nhổn đất đã được san lấp vội, đến trước khi diễn ra phiên tòa còn sền sệt đất ướt. Dưới cái nắng thiêu đốt ban ngày, thứ bùn lỏng ấy khô thành bụi, bay mù mịt dưới những cơn gió cao nguyên, phả vào mặt người ngồi xem bạc mặt.

Họ ngồi ròng rã như thế, rất nhập tâm vào những lời khai của các bị cáo. Họ ồ lên phẫn nộ trước những lời khai vô lý của các bị cáo. Họ rưng rưng nước mắt thương cảm trước những lời trần tình của người thân nạn nhân. Họ vỗ tay trước lời kết luận của đại diện Viện Kiểm sát. Nhưng họ cũng khách quan đưa ra tràng pháo tay trước những lời bào chữa có lý có tình của các luật sư của bị can.

Nguyễn Hải Dương.
Vũ Văn Tiến.
Trần Đình Thoại.

Và đỉnh điểm kiên nhẫn của những người dân tham dự phiên tòa là chứng kiến màn tranh luận nảy lửa giữa các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát, kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, cho tới tận lúc trời buông màn đêm. Theo thông báo, HĐXX sẽ họp 30 phút để ra lời tuyên án, nhưng thời gian đã kéo dài gần 1 tiếng mà HĐXX vẫn chưa ra. Họ vẫn kiên trì chờ đợi, cho đến tận lúc cuối cùng, không một lời kêu ca, la ó phàn nàn.

3. Có mặt tại nơi diễn ra phiên tòa lúc 22 giờ ngày 16-12, chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ chiến sĩ, dân phòng cùng làm công tác bảo vệ tại đây. Thượng úy Đỗ Trọng Dũng, Đội Quản lý Hành chính Công an huyện Chơn Thành, cho biết, để bảo vệ địa điểm này an toàn, các cán bộ chiến sĩ kết hợp với dân phòng chia làm hai vòng để bảo vệ - vòng trong và vòng ngoài.

Lực lượng ứng trực để bảo vệ hiện trường phiên tòa trong đêm 16-12 là 16 người. Mọi hoạt động ra vào hiện trường đều phải có sự cho phép từ cấp cao nhất của Ban lãnh đạo Công an huyện. Lực lượng trực đêm tại địa bàn được phân làm nhiều tổ, luân phiên tuần tra suốt đêm để bảo vệ và đối phó với các tình huống có thể phát sinh.

Do phải thức suốt đêm để làm nhiệm vụ nên các cán bộ chiến sĩ đã được cấp bánh bao lót dạ. Còn nước uống thì được một nhà dân gần đó cho mượn một phích nước vối.

Đây là vụ án được dư luận quan tâm, dự kiến rất đông người đến theo dõi nên vấn đề an ninh đã được đặt lên hàng đầu nên từ 4 giờ sáng ngày 17-12, đã có hơn 300 cán bộ và chiến sĩ của gần như tất cả các lực lượng cảnh sát và an ninh phối hợp bảo vệ phiên tòa.

Thiếu úy Từ Quốc Danh, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Bình Phước, cho biết: Từ lúc 3 giờ 30 phút sáng, hơn 80 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã tập trung xuất phát từ thị xã Đồng Xoài đến địa điểm diễn ra xét xử phiên tòa.

Từ chiều ngày 16-12, chúng tôi đã có mặt phối hợp cùng các đơn vị khác lập rào chắn, rà phá bom mìn đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình xét xử. Tại đây, chúng tôi phân công lực lượng bảo vệ 2 vòng (trong đó, vòng đầu trực tiếp tại nơi diễn ra xét xử, còn vòng sau cách khoảng 50 mét) để kiểm soát an ninh chặt chẽ toàn bộ khu vực, tránh để đối tượng bất hảo kích động gây rối an ninh trật tự.

Mức án dành cho các bị cáo

1. Nguyễn Hải Dương (24 tuổi), HKTT Long Hạ, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang. Tử hình về tội Giết người; 8 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hình phạt là Tử hình.

Nguyễn Hải Dương không có tiền án, tiền sự. Nhà Dương có 2 anh em, chưa kết hôn. Năm 2010, Dương chuyển đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) học nghề tại Trường trung cấp Công nghiệp Bình Dương. Một năm sau, Dương bỏ học và làm công nhân trong xưởng gỗ của một công ty ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TP HCM). Tháng 10-2013, Dương nảy sinh tình cảm với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh, đến tháng 4-2015 thì chia tay. Ngày 7-7, Dương thực hiện vụ giết người, cướp của tại nhà của Linh ở huyện Chơn Thành, Bình Phước và bị bắt ngày 10-7.

2. Vũ Văn Tiến (24 tuổi) Tử hình về tội Giết người; 7 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hình phạt là Tử hình.

Vũ Văn Tiến  sinh ra tại Cà Mau, sau đó chuyển đến xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) sinh sống. Tiến là con út trong gia đình có 5 anh em, chưa có vợ con. Bỏ học từ lớp 4, Tiến ở nhà phụ giúp cha mẹ. Năm 2005, Tiến đến huyện Nhà Bè, TP HCM học nghề sửa xe máy. Từ năm 2010, Tiến làm cho xưởng gỗ tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn. Ngày 7-7, Tiến cùng Dương gây ra vụ thảm sát và bị bắt sau đó 3 ngày.

3. Trần Đình Thoại (27 tuổi), sinh ra ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long; 13 năm tù về tội Giết người; 3 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hình phạt 16 năm tù giam.

Thoại nghỉ học từ năm lớp 9 rồi lên TP HCM học nghề điện lạnh. Thoại là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, chưa có vợ con. Học xong, Thoại làm nhiều nghề để mưu sinh như bảo vệ, công nhân may, cạo mủ cao su, phụ bán quán ăn... Ngày 4-7, Thoại đi cùng Dương đến nhà ông Mỹ để gây án nhưng bất thành. Sau đó, Thoại rút lui và mua dao cho Dương đi giết người. Thoại bị bắt sau cùng, vào ngày 9-8.

Ngoài ra các bị cáo phải bồi thường 480 triệu đồng cho bị hại.


Nguồn: CAND Online