Admin
Công an huyện Bù Gia Mập: Triệt phá điểm kinh doanh hạt tiêu pha trộn tạp chất không rõ nguồn gốc
Thứ Hai, 13/03/2017
Lượt xem: 603
Ngày 9/3, Công an huyện Bù Gia Mập cho biết hiện đã gửi các mẫu vật đến cơ quan chuyên môn để phân tích, giám định làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm của hộ kinh doanh nông sản tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập.
Ảnh 1: Các tạp chất được trộn chung và nấu chín
Ảnh 2: Ông Lệ và bà Cúc đang trộn hợp chất vừa nấu xong
vào đống hạt tiêu lép để trộn đều cho kết dính vào hạt tiêu.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 4/3, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Bù Gia Mập phối hợp Công an xã Đa Kia tiến hành kiểm tra hành chính hộ kinh doanh thu mua nông sản thuộc thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập do bà Dư Thị Toàn, SN 1983 làm chủ. Tại khu vực bí mật ngay phía sau cơ sở, tổ công tác bắt quả tang ông Lê Đình Lệ, SN 1974 (chồng bà Toàn) và bà Nguyễn Thị Cúc, SN 1971 (người làm thuê), trú thôn 5, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập đang thực hiện hành vi pha trộn các loại tinh bột màu vàng, trắng và đỏ sẫm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nấu trong hai chiếc nồi lớn để cho ra một loại dung dịch đặc sệt có màu đen nhạt rồi trộn chung vào đống hạt tiêu lép, sau đó đảo đều và đem phơi nắng để biến những đống hạt tiêu lép thành những hạt tiêu chắc, có màu đen hơn.
Ảnh 3: Sản phẩm hạt tiêu chắc đã trộn xong
Ảnh 4: Kho chứa tạp chất để pha trộn
Qua làm việc với bà Dư Thị Toàn (chủ hộ kinh doanh) cũng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Mỗi ngày bà Toàn cho nhân công pha trộn trên 3 tạ hạt tiêu lép với tạp chất để tạo ra trên 3,6 tạ tiêu chắc và bán với giá thành cao hơn. Mỗi tạ tiêu lép sau khi “ra lò” sẽ kiếm lời thêm khoảng 900 ngàn đồng. Bà Toàn cho biết: “Một tạ tiêu em mua về thì em làm thành 1, 2 tạ. Một ngày em làm được 3 tạ đến hơn 3 tạ một chút. Nhưng em đi mua tiêu trong dân thì em chỉ mua tiêu lép, tiêu lừng về em làm chứ em không dám làm tiêu chắc vì sợ ảnh hưởng tới chất lượng tiêu của bà con trồng tiêu. Cách pha chế thì chỉ pha tinh bột bắp với tinh bột gạo nếp và bỏ thêm một chút chất tinh bột màu đỏ sẫm em mua ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi mua chất này thì em hỏi chất này có ảnh hưởng tới sức khỏe không, thì họ nói là em yên tâm, cái này là chất phẩm màu thực phẩm thường dùng trong pha chế nước và ăn uống chứ không ảnh hưởng gì. Thấy họ nói vậy thì em mới dám làm. Nhưng giờ bị Công an bắt thì em hối hận lắm”.
Cũng theo bà Toàn, những sản phẩm hạt tiêu do gia đình bà làm ra chủ yếu bán cho các thương lái, rồi đem tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn tỉnh để làm thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ảnh 5: Lực lượng Công an làm việc với chủ hộ kinh doanh Dư Thị Toàn và chồng Lê Đình Lệ
Ảnh 6, 7: Thu mẫu hóa chất và tạm giữ tang vật để phục vụ xác minh, xử lý
Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện một nhà kho chứa nguyên liệu gồm nhiều bao có chứa chất tinh bột màu vàng. Ông Lê Đình Lệ thừa nhận số tinh bột này thường dùng cho việc pha trộn với hạt tiêu của hộ gia đình ông.
Lực lượng Công an đã tạm giữ 500kg tinh bột màu vàng, 15kg tinh bột màu trắng và 1 hộp tinh bột màu đỏ sẫm khoảng 3g để trưng cầu phân tích giám định thành phần cấu tạo. Đồng thời tạm giữ 676kg hạt tiêu đã pha trộn tạp chất và 446kg hạt tiêu khô (dùng làm nguyên liệu) để tiếp tục hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
LÊ VINH