Admin
Đại biểu Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân: Văn kiện Đại hội XII thể hiện tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc
Lượt xem: 3260
Nghiên cứu các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tôi nhận thấy 4 điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng CAND, QĐND được Đảng ta kế thừa những nội dung cơ bản của Đại hội XI và các đại hội trước đó, được đề ra tại nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Văn kiện lần này đã nêu rõ mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, văn kiện Đại hội lần này đã bổ sung, phát triển tư duy mới về công tác an ninh, đó là vấn đề an ninh phi truyền thống đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với an ninh truyền thống, từ đó xác định rõ nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng.

Thứ ba, văn kiện cũng  thể hiện rõ tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, đó là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND, CAND là nòng cốt. Điều này xuất phát từ nội hàm của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động cho rằng bảo vệ Tổ quốc không bao hàm bảo vệ Đảng, Nhà nước, cố tình tách bạch, phân biệt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước với bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND.

Thứ tư, văn kiện đã thể hiện tư duy mới trong mối quan hệ giữa đảm bảo an ninh, quốc phòng với vấn đề an sinh xã hội, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, khi đời sống nhân dân được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện thì nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cũng được củng cố, tăng cường và ngược lại. Do đó, trong tiến trình phát triển, nhất thiết phải gắn chặt an sinh xã hội với an ninh, quốc phòng, trong đó tập trung thực hiện những nội dung như văn kiện Đại hội đã nêu: Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc; khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển giữa các lĩnh vực, các vùng, miền; bảo đảm sự hài hoà về lợi ích, về quan hệ xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hoá giàu – nghèo; kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội…

Nguồn: CAND Online