Đầu tư khoa học công nghệ, coi trọng phát triển công nghiệp an ninh
Bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh vấn đề đầu tư khoa học công nghệ để đảm bảo an ninh, quốc phòng và phương hướng, nhiệm vụ phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh quy định trong văn kiện Đại hội XII.
Thứ trưởng cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đang chỉ đạo mạnh mẽ chuyển hướng công tác hậu cần, kỹ thuật từ “phục vụ” sang “chủ động đảm bảo”.
- Thưa Thứ trưởng, chúng ta cần hiểu khái niệm hậu cần “chủ động đảm bảo” như thế nào?
+ Đó là hậu cần, kỹ thuật phải làm tốt công tác dự báo, khảo sát đánh giá đúng bối cảnh, tình hình chung và cụ thể từng đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch công tác. Tức là từ chỗ anh em đơn vị, địa phương thiếu thì đề xuất xin, nay cơ quan hậu cần, kỹ thuật phải dự báo, phải khảo sát để nắm được thực trạng, tức là phải thể hiện rõ trách nhiệm, tính chủ động của mình. Tiếp đó, chủ động trong cung ứng, từ chỗ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại đến máy móc, phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Tất nhiên, “chủ động đảm bảo” không có nghĩa là muốn thứ gì cũng có nhưng quan điểm là phải chủ động ngay từ đầu theo kế hoạch, phải đảm bảo cung ứng hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu.
|
Thứ trưởng Bùi Văn Thành. |
- Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng trong CAND, QĐND. Trong dự thảo văn kiện Đại hội XII cũng nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
+ Việc quy định ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng trong CAND, QĐND, đầu tư công nghiệp quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng trong tình hình mới. Chúng ta thấy rằng, khoa học công nghệ trong thế giới ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng với trình độ phát triển vượt bậc. Những biến động của tình hình an ninh, chính trị thế giới và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn cho an ninh, quốc phòng giữ vai trò, vị trí hết sức quan trọng.
Trong giai đoạn mới, chúng ta tiếp tục ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh với mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh thành bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực quốc phòng - an ninh quốc gia trước mắt và lâu dài, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật với tính năng chiến thuật, kỹ thuật và chất lượng cao, đồng thời tạo thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Thưa Thứ trưởng, nhiều người chưa quen khái niệm “công nghiệp an ninh” bởi công nghiệp quốc phòng đã có từ lâu, còn công nghiệp an ninh là vấn đề còn khá mới?
+ Lịch sử cho thấy, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Đảng, Bác Hồ đã rất chú trọng đến khoa học, công nghệ. Bác đã kêu gọi và tập hợp được những nhà khoa học lớn như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng như nhiều nhà trí thức, nhà khoa học, kỹ sư, công nhân lành nghề vào phục vụ trong quân đội và ra các chỉ thị, quyết định để thành lập các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thiết kế, chế tạo và cải tiến vũ khí, từ đó đã có những đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, khái niệm công nghiệp quốc phòng đã có từ trong giai đoạn kháng chiến.
Còn công nghiệp an ninh, thực chất trước đây chúng ta cũng đã triển khai thực hiện một số nội dung, tuy nhiên khi đó do kinh tế đất nước còn khó khăn nên công tác này cũng chỉ đầu tư rất mức độ và chưa có quan niệm rõ ràng…
- Tức đến nay khái niệm này mới được nêu ra?
+ Không, nói mới nhưng cũng đã nêu ra nhiều năm nay. Lần đầu tiên khái niệm phát triển công nghiệp an ninh được đưa vào Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nay tiếp tục được nêu rõ trong văn kiện trình Đại hội XII. Điều đó cho thấy, trước yêu cầu mới của công tác bảo đảm an ninh, trật tự, chúng ta đang ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, tầm quan trọng của công nghiệp an ninh và có sự quan tâm, đầu tư hợp lý cho lĩnh vực này.
- Vậy, văn kiện Đại hội XII đã xác định vấn đề công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng nào?
+ Về công nghiệp quốc phòng, an ninh, văn kiện Đại hội XII xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho lực lượng QĐND và CAND đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống.
- Có ý kiến cho rằng, cần đầu tư hiện đại sớm và ở quy mô rộng hơn để đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng vũ trang nói chung, CAND nói riêng?
+ Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, một số lực lượng trong CAND đã và đang được đầu tư, hiện đại hóa phương tiện kỹ thuật, công nghệ. Chúng ta muốn hiện đại hóa ở quy mô rộng hơn nhưng điều kiện kinh tế đất nước chưa cho phép, tài chính còn hạn hẹp nên trước hết ưu tiên những lực lượng mũi nhọn. Đến nay, Khu Công nghiệp an ninh đã hoàn thành giai đoạn I và đang thực hiện giai đoạn II, góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, đảm bảo hậu cần của lực lượng Công an, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ quyết tâm xây dựng đề án phát triển công nghiệp an ninh và triển khai hiệu quả, có tổ chức chuyên trách về lĩnh vực này.
- Còn về công nghiệp an ninh, hướng phát triển tới đây ra sao, thưa Thứ trưởng?
+ Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, thời gian tới, lực lượng CAND tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp an ninh theo Nghị quyết của Đảng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp an ninh bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị cơ sở vật chất từng bước hiện đại, trước hết là cho lực lượng an ninh, tình báo, Cảnh sát cơ động. Lực lượng hậu cần - kỹ thuật xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp an ninh theo lộ trình hợp lý, huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp an ninh ngày càng lớn mạnh.
Đồng thời nắm bắt nhu cầu trang bị của lực Công an để tăng cường ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới vào phát triển công nghiệp an ninh. Lực lượng hậu cần - kỹ thuật tập trung nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao có tính bảo mật, đặc thù, đặc dụng, chuyên dụng, hàm lượng công nghệ cao, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu công tác, chiến đấu và từng bước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn: CAND Online