Từ ngày 25 đến ngày 29-1-1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng CAND.
Hưởng ứng phong trào này, các sở, ty Công an đã tổ chức giao ước thi đua thực hiện tốt nội dung phong trào thi đua và đặt ra những giải thưởng có giá trị cho các tập thể, cá nhân lập công xuất sắc. Phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”, “Gây cơ sở, phá kỷ lục” đã tạo khí thế thi đua hăng say, nhiệt huyết trong công tác, chiến đấu, rèn luyện đạo đức, lối sống giữa các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an.
Cùng với tờ Nội san “Rèn luyện” của Nha Công an Trung ương, nhiều khu, sở, ty Công an cũng ra nội san nhằm tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho CBCS Công an như: Công an Nam Định ra tờ “Luyện tiến”, Công an Tuyên Quang ra tờ “Trau dồi”… trong đó, tờ Nội san “Bạn dân” của Công an Khu XII là một trong những nội san tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về phong trào “Rèn cán bộ, lập chiến công”.
Sau khi dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu XII đã viết thư kính gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biếu Người tờ Nội san “Bạn dân” số Tết Mậu Tý (1948).
Trong thư, đồng chí báo cáo với Bác về niềm tin, niềm tự hào, phấn khởi của quân và dân ta sau chiến thắng Thu – Đông năm 1947; đồng thời có nguyện vọng xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho CBCS Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 11-3-1948, Bác Hồ đã có thư gửi Giám đốc Sở Công an Khu XII, trong thư Bác dạy:
“… Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.
Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người Công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em Công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ…).
Ngoài ra, Công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi Công an viên đóng ở chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian… Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép. Tránh hách dịch…”.
Những nội dung ngắn gọn, súc tích trong thư Bác Hồ gửi đồng chí Giám đốc Sở Công an Khu XII, nhất là Sáu điều Bác dạy CAND đã khái quát toàn diện hình ảnh người Công an cách mạng với những phẩm chất đặc trưng mà rất đỗi bình dị, sống có lý tưởng trong sáng, có lập trường tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh, ý chí tiến công cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Việc tổ chức học tập, thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy thể hiện tình cảm sâu sắc của lực lượng CAND đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là hành động thiết thực của CBCS Công an, thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
70 năm qua, Sáu điều dạy của Bác về “Tư cách người Công an cách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị và luôn có tính thời sự sâu sắc, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (còn tiếp)
Nguồn:CAND Online