Admin
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ( 20/8/1888 – 20/8/2018): CỐ CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, MẨU MỰC, TẤM GƯƠNG SÁNG NGƯỜI VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
Lượt xem: 630
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ rất mực trung thành, tận tụy đối với Đảng, với nhân dân, luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất, phẩm chất đạo đức: cần, kiệm,  liêm chính, chí công, vô tư. Trọn đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu một tấm gương sáng ngời về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 – 1980) được sinh ra tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). 

Năm 1907, với tuổi thanh niên rực lửa, trong lòng mang nặng truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, khoan dung của quê hương và nỗi nhục, nỗi đau của người dân nô lệ bị mất nước, mất độc lập tự do, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học việc và dự kiến thực hiện hoài bão của đời mình.

Năm 1910, sau mấy năm học nghề ở trường Bách Nghệ, đồng chí làm công nhân một xưởng máy của Pháp ở Sài Gòn. Năm 1916, trở thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France. Ngày 7-11-1917, Cách mạng vô sản Nga thành công. Các nước đế quốc câu kết nhau can thiệp vũ trang, hòng bóp chết nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. 

Ngày 16-4-1919, mặc dù chiến tranh thế giới đã kết thúc, Chính phủ Pháp vẫn điều 5 chiến hạm vào Biển Đen tiến công Xêvátxtôpôn hòng tiêu diệt nước Nga, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng anh em binh lính, thủy thủ Pháp quyết định phản chiến. 8 giờ ngày 20-4-1919, cuộc phản chiến nổ ra trên chiến hạm France và Jean Bart. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã kéo cờ đỏ lên đỉnh cột cờ chiến hạm France để ủng hộ nước Nga Xôviết, thể hiện tinh thần quốc tế vô sản, là một trong những người Việt Nam đầu tiên đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga, xây đắp tình hữu nghị Việt - Xô, đồng thời đoàn kết giai cấp quốc tế chống lại kẻ thù của dân tộc mình.  Khi hồi tưởng lại sự kiện này, Chủ tịch khiêm tốn viết: “Bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười” (1). Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Chí Công cũng khẳng định: ''Cống hiến lớn lao của Chủ Tịch Tôn Đức Thắng cho nền độc lập dân tộc và hoà bình thế giới đã được nhân dân thế giới khâm phục và kính mến. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng hoà bình quốc tế Lênin, xứng đáng là chiến sĩ xuất sắc của phong trào hoà bình thế giới” (2). 

Năm 1920 Tôn Đức Thắng bị rời nước Pháp trở về nước. Về đến Sài Gòn Người đã mang những kinh nghiệm học được từ giai cấp công nhân Pháp vào xây dựng phong trào công nhân Sài Gòn. Năm 1926, đồng chí tham gia Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và năm sau được cử vào Ban Chấp hành kỳ bộ Nam Kỳ. Tháng 7-1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, tháng 7-1930, bị đày ra Côn Đảo. Gần mười bảy năm bị giam ở ngục tù, bị giam cầm khổ sai ở nhà tù Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian những năm 1930-1945, đồng chí Tôn Đức Thắng bằng những việc làm hay những hành động gương mẫu tự thân đã cùng các đồng chí của mình thành lập được chi bộ đặc biệt trong tù để tiếp tục đấu tranh. Đồng chí Lê Duẩn cùng bị tù ở Côn Đảo với Bác Tôn, về sau là Tổng Bí thư của Đảng đã nhận xét về Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Đế quốc Pháp đã bắt giam, đày đọa đồng chí 17 năm trời ở nhà ngục Côn Lôn với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống hoặc bỏ đói bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí trước sau vẫn không chút lay chuyển. Trong nhà tù đồng chí luôn luôn nêu cao tấm lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân, luôn luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp, luôn luôn vui vẻ và không bao giờ xao lãng công tác cách mạng”(3).



Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Ảnh tư liệu TTXVN)

Cách mạng Tháng Tám (1945) giành được thắng lợi, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng các chiến sĩ cách mạng trở về đất liền tiếp tục hoạt động góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc Việt Nam. Trên bất kỳ cương vị nào, là thuỷ thủ trên tàu, công nhân trong xưởng máy, lãnh đạo Công hội đỏ hay Chủ tịch Mặt trận dân tộc thống nhất; và ngay cả sau này, khi Bác Hồ qua đời, được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1969), Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc; cho sự phát triển tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc trên thế giới với tinh thần cách mạng bất khuất, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân nhân dân”(4).

Khi nói về đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “… Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng” (5). “Chất người” Tôn Đức Thắng là tình cảm yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản chân chính; yêu Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, đồng chí cũng tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác; coi cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của các nước thuộc địa cũng như sự nghiệp cách mạng của nhân dân mình. Đồng chí đã có những cống hiến lớn lao trong việc xây dựng khối đoàn kết quốc tế, giữ gìn và củng cố hòa bình thế giới.
 



Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với các chiến sỹ tiêu biểu tại Đại hội Chiến sỹ thi đua  yêu nước năm 1952.
(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta tưởng nhớ đến một người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng và của dân tộc đã hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, người tiêu biểu nhất thực hiện tư tưởng và kế tục xứng đáng trọng trách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo đất nước.

Với 92 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những giá trị tinh hoa về đạo đức cách mạng, lý tưởng giác ngộ, xây dựng, phát triển giai cấp và phong trào công nhân và xây dựng Đảng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ đầu thế kỷ XX cho tới nay còn nguyên ý nghĩa và nóng hổi tính thời sự. 

Noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng  toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện NQTƯ 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt để đưa các Nghị quyết NQTƯ 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập và NQTƯ 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đi vào cuộc sống hiệu quả. Bởi như Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã nói: “Toàn Đảng hảy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Hồ chí Minh; sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn” (6). Thật vậy, có Đảng vững mạnh, đất nước mới “đi mau” phát triển, dân tộc mãi trường tồn! 

 

Chú thích:

(1, 5, 6)-Phan Trọng Bình: Tôn Đức Thấng – Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết (Hồi ký), NXB, Hà Nội, 2003. 

(2)-Võ Chí Công: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ quốc tế kiên cường”, trong Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết.  Trích trong cuốn Tôn Đức  Thắng - Tiểu sử, NXB CTQG - ST, 2007, trang 35.

(3)-Lê Duẩn: ''Học tập gương sáng của đồng chí Tôn Đức Thắng trong Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), An Giang, 1988, tr. 158. 

(4)-Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2000, trang 220-221.

 

NGUYỄN VĂN THANH