KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2015): Những người tri kỷ
Có những phóng viên, cộng tác viên tình cờ đến với “nghiệp cầm bút” và rồi trở thành tác giả quen thuộc. Qua thời gian, những người cầm bút không chuyên ấy đã là một phần không thể thiếu với cả tòa soạn báo và bạn đọc. Một vài dòng của ba trong số rất nhiều cộng tác viên đã giãi bày cơ duyên...
Nhật Hạ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chơn Thành: viết báo giúp tư duy tốt hơn
Tôi không phải là nhà báo, nhưng một lần đọc “Cẩm nang công tác văn phòng” có lời khuyên về việc hãy tập viết báo, nó giúp cho công việc bạn đang làm tốt hơn đã làm tôi chú ý. Đặc biệt, trong đó có lời chỉ dẫn: Viết báo không dễ, hãy bắt đầu từ việc viết tin cho các bản thông tin nội bộ, tập dần dần, khi viết tốt thì gửi bài cho báo. Dù bài không được đăng cũng đừng buồn, điều đó chứng tỏ bạn viết chưa tốt, cần phải cố gắng hơn. Và tôi tập viết báo từ đó.
Bài đầu tiên được đăng trên Báo Bình Phước là bài phản ánh về vụ đình công ở một công ty, tiếp đến là bài viết về tấm gương tiêu biểu trong hội thi kể chuyện về Bác Hồ ở xã Minh Thắng (Chơn Thành) nhân chuyến công tác tại cơ sở. Do “tay ngang” nên tôi viết rất cảm tính, thấy gì, nghĩ gì là viết nấy, nên bài viết ngổn ngang thông tin, giựt cục, và không biết sửa sao cho gọn. Cả hai bài này đều được Phó tổng biên tập lúc bấy giờ là anh Diệp Viên gọi điện về trao đổi, hướng dẫn cách khai thác vấn đề. Từ đó, cái duyên với báo đã bén rễ ngày càng sâu. Và Báo Bình Phước trở thành người bạn tâm giao không thể thiếu trong công tác và cuộc sống hằng ngày của tôi.
Ảnh: S.H
Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan cũng rất quan tâm và khuyến khích tôi viết báo, thậm chí còn gợi mở đề tài, nên tôi rất thuận lợi để “tác nghiệp”. Để viết tốt hơn, tất cả những bài viết sau khi được đăng tôi đều xem lại để học hỏi cách biên tập và rút kinh nghiệm. Đồng thời nghiêm túc đọc kỹ tất cả các tin, bài của các tác giả và đặt mình trong vị trí viết bài của họ rồi xem mình có thể viết được như thế nào, nhận ra bài phản ánh nên viết thế nào, phóng sự thì nên viết ra sao và cái gì mình thiếu. Đó cũng là cách học viết trực tiếp, hiệu quả nhất. Đặc biệt, nhờ viết báo mà tư duy tôi tốt hơn nhiều. Bởi hơn bất cứ lĩnh vực nào, sản phẩm báo chí làm ra yêu cầu phải nhanh, chính xác vì bài được đăng tác động đến đông đảo tầng lớp nhân dân. Tôi quan niệm làm cộng tác viên cũng không khác nhà báo chuyên nghiệp là phải có “tâm” thì mới bền chặt, có tâm thì càng viết càng say, viết càng say thì ngày có càng nhiều tin bài tốt.
Có người cho rằng, viết để kiếm tiền, điều đó đúng chỉ một phần. Một trong những đam mê luôn cháy khi cầm bút chính là đem lại lợi ích cho đối tượng mà bài viết phản ánh. Hơn nữa khi viết chẳng khác nào đang tâm sự, giảm stress với người tri kỷ. Còn nếu viết chỉ để kiếm tiền, không sớm thì muộn sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán chường, nhạt nhẽo.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thủy Đội trưởng Đội tuyên truyền Công an tỉnh: viết báo làm tuyên truyền
Công tác trong ngành công an đã hơn 21 năm nhưng tôi mới viết báo từ năm 2011. Thời gian trước đó, tôi chỉ đọc báo tỉnh vì thích dẫu chưa có điều kiện để theo dõi và đọc hết các số báo hàng tuần. Sau khi đọc những trang thời sự và quốc phòng - an ninh - hai trang phản ánh kịp thời, đầy đủ những tin tức hoạt động của lãnh đạo tỉnh và tình hình an ninh, trật tự tại các địa bàn thì tôi đã dành sự quan tâm đặc biệt. Tôi bắt đầu viết tin an ninh - trật tự cộng tác tới Báo Bình Phước. Vì qua đó không những giúp tôi nắm thêm thông tin địa bàn tốt hơn mà còn giúp nhân dân nắm rõ tình hình an ninh địa phương.
Đến khi trở thành cộng tác viên thường xuyên của báo và trực tiếp là người tổ chức thực hiện phối hợp tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ an ninh - trật tự của lực lượng công an tỉnh và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thì tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Ban biên tập và các đồng chí trong cơ quan báo về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, nhất là kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại. Các đồng chí đi trước trong Phòng Công tác chính trị cũng hướng dẫn và trao đổi tận tình nên chất lượng tin, bài cộng tác của tôi cũng như của phòng được nâng lên, ngày càng có tính hấp dẫn và tác dụng tuyên truyền cao.
Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, mong rằng tờ báo của chúng ta ngày càng có nhiều tác phẩm hay và giúp ích nhiều hơn nữa cho đời sống, xã hội.
Phan Thành Minh Đà Lạt, Lâm Đồng: viết cho “người tri kỷ”
Cũng khá lâu rồi tôi là cộng tác viên trên chuyên mục Thơ của Báo Bình Phước. Và có lẽ do tôi từng là một người lính nên những bài thơ chủ yếu viết về người lính, quê hương, đất nước và mẹ, nên ngôn từ phù hợp với báo đảng. Điều đó đã giúp tôi trở thành cộng tác viên của vài tờ báo và tạp chí của đảng.
Tôi đã được đi nhiều nơi như một số tỉnh của miền Trung, Tây Nguyên và Binh đoàn 16 ở Bình Phước nên cảm nhận được cuộc sống của nhân dân và tích lũy được ít nhiều thông tin kiến thức về vùng đất này, về tính chịu thương chịu khó của người dân nên những câu thơ cứ tuôn đầu ngọn bút.
Khi những bài thơ được đăng trên Báo Bình Phước, tôi có dịp đọc nhiều tin tức, sự kiện của tỉnh nên biết thêm về con người và thiên nhiên Bình Phước, đồng thời hiểu được gu thơ của báo cũng như được đọc những bài thơ khác của các tác giả. So với mặt bằng chung của các tạp chí hay báo của các tỉnh, thành, tờ báo Bình Phước đã thực sự là một tờ báo lớn khi phát hành 5 số/tuần. Đặc biệt, lượng tin của một số báo nhiều. Điều quan trọng nữa mà Báo Bình Phước không vấp phải là phóng viên, cộng tác viên của báo không gửi tin, bài cho báo khác đăng, giống như miếng cá trao qua miếng cà trao lại. Đó là điều rất tự tôn.
Bản thân tôi luôn cầu thị và vui lòng mọi sự biên tập miễn sao là phù hợp với tiêu chí của báo và hợp lòng người đọc. Tuy nhiên, tôi mong trang thơ đăng thêm bài để có thể đọc được thơ của các tác giả khác nên chăng Bình Phước Online thêm mục Văn học để phục vụ người đọc nhiều hơn.
Nguồn: Bình Phước Online