Admin
Sự thật không thể bị thay đổi
Lượt xem: 1241
Ngày 7-6, ông Nguyễn Văn Nghinh, 77 tuổi, trú tại thôn 7, xã Long Hà (Phú Riềng), sau khi ra ngăn cản lực lượng công an đến bắt tạm giam con trai mình bị khởi tố về hành vi đánh bạc, đã vĩnh viễn ra đi.

Trước đó, ông Nghinh và người thân cùng một số đối tượng quá khích đã xô xát với lực lượng công an. Những người này cho rằng lực lượng công an dùng súng bắn vào ông Nghinh khiến ông chết trên đường đi cấp cứu và đẩy vụ việc lên thành “điểm nóng”. Ngày 8-6, trên trang Youtube phát một số clip liên quan đến vụ việc với tiêu đề “Vụ công an bắn chết ông già 80 tuổi ở Long Hà, Phú Riềng, Bình Phước” và “Công (an) giết dân tại thôn 7, Long Hà, Phú Riềng, Bình Phước rồi bỏ chạy”. Giật tít là như thế, nhưng xem kỹ thì chính nội dung của những clip phát trên Youtube đã nói lên nhiều điều khá rõ ràng về vụ việc.
 


Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Các clip cho thấy, đám đông đang bao vây, hò hét giữ hai người và tra hỏi “mày tên gì”, “giấy tờ đâu”, “thẻ công an đâu”... Một số người còn túm cổ áo, giữ tay hỏi như quát “thằng nào đã bắn súng”... Tiếng hò hét truy vấn hỗn loạn. Cả clip dài 13 phút 11 giây và clip dài 5 phút 29 giây, đều thỉnh thoảng lại quay cận cảnh người đàn ông râu tóc đã bạc, ngồi trên đường, có biểu hiện khó thở. Thỉnh thoảng ông huơ hai tay hoặc huơ một tay ra phía trước. Lúc sau, trong biểu hiện mệt mỏi, ông được đưa lên xe máy do một trong hai người mặc thường phục vừa bị truy vấn “thẻ công an đâu” cầm lái, ngồi giữ phía sau là một người mặc sắc phục công an xã. Đám đông xúm lại hò hét “giữ nó lại”. Sau cùng thì chiếc xe máy cũng được khởi động và đưa ông cụ đi. Tiếp đó là hình ảnh và âm thanh tiếng còi hụ của công an, cảnh sát cơ động...

Qua xác minh một số nguồn thông tin và nhận dạng hình ảnh, đầu tiên có thể khẳng định đó chính xác là đoạn clip quay lại hiện trường vụ việc ở thôn 7, xã Long Hà. Đoạn clip khá rõ cả về hình ảnh và âm thanh. Hai người bị truy vấn là cảnh sát hình sự mặc thường phục, còn cụ già là ông Nghinh. Thứ hai, đám đông liên tục hò hét “thằng nào vừa bắn súng”... chứng tỏ nếu có bắn súng thì nó đã diễn ra trước đó. Thứ ba, nếu bị trúng đạn, liệu cụ ông 77 tuổi Nguyễn Văn Nghinh có thể ngồi trên đường và thỉnh thoảng lại huơ tay qua lại và nói năng với những người xung quanh? Đặc biệt, trong clip cho thấy trên mặt, quần áo, tay chân của ông Nghinh không có một vết máu nào! Thứ tư, nếu ông Nghinh đã bị bắn vào người thì người nhà, hàng xóm và đám đông liệu có để ông ngồi đó làm “bằng chứng” hay đã đưa ông đi cấp cứu ngay lập tức? Thứ năm, ở góc độ nhân văn, có thể thấy đám đông chỉ nhằm mục đích giam giữ, truy vấn, uy hiếp hai cảnh sát trẻ mặc thường phục, mà không hề quan tâm đến tình hình sức khỏe của ông cụ tội nghiệp. Nếu sự việc không bị đẩy lên hỗn loạn như vậy và ông Nghinh trong tình trạng mệt mỏi được đưa đi cấp cứu kịp thời ở Trạm y tế xã cách đó 3km thì liệu có kết cục đau lòng xảy ra?

Để bảo đảm khách quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã trưng cầu Cơ quan Giám định pháp y Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh khám nghiệm tử thi xác định nguyên dân dẫn đến cái chết của ông Nghinh. Rồi đây, cái chết của ông Nghinh có phải do bị bắn vào đầu hay không sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng có lẽ, những người trong cuộc, những ai chứng kiến vụ việc hẳn đã biết rõ thực hư. Và những người đã “góp gió” thổi bùng sự việc phải tự vấn rằng có hay không mình đã gián tiếp khiến cho vụ việc dẫn tới kết cục thật đáng tiếc như vậy! Sự việc đáng tiếc đã xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng không vì thế, mà sự thật có thể bị thay đổi!

 Nguồn: Bình Phước Online