Admin
Thách thức an ninh phi truyền thống từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư
Lượt xem: 1298
Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Do đó, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thuận lợi để chúng ta thực hiện đi tắt, đón đầu, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghệ mới, tranh thủ thành tựu khoa học và công nghệ, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và thu hẹp khoảng cách phát triển.



Trước hết, chúng ta cần có cách tiếp cận một cách đúng đắn, khoa học về thách thức an ninh phi truyền thống và cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện tại, mặc dù còn nhận thức khác nhau về thách thức an ninh phi truyền thống, nhưng về cơ bản, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất với quan niệm của Liên hợp quốc; đó là,thách thức an ninh phi truyền thốngbao gồm 4 vấn đề cơ bản: môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và khủng bố quốc tế. An ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp, bao gồm các mối đe dọa đến an ninh con người và xã hội một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Nói cách khác, an ninh phi truyền thống là những vấn đề phi quân sự có ảnh hưởng lớn, không chỉ đe dọa sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội trong phạm vi một hoặc một số quốc gia, mà còn đe dọa sự tồn tại, phát triển chung của toàn thể nhân loại.

 Còn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được hiểu là sự hội tụ thành tựu khoa học và công nghệ, gồm: mới, tiên tiến, sạch và cao, thuộc các lĩnh vực quan trọng, như: trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét và các công nghệ: in 3D, nanô, sinh học, vật liệu mới, vi tính lượng tử, v.v. Có thể nói, đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp tất cả công nghệ thông minh nhất, hiện đại nhất, tạo ra những khả năng mới nhất, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, v.v. Nó đang, sẽ không chỉ làm đảo lộn mọi mô thức truyền thống văn hóa, tinh thần vốn đã tồn tại trong đời sống xã hội mỗi quốc gia, mà còn làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới; suy giảm quyền lực của một số quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên; gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo.

 Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Do đó, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thuận lợi để chúng ta thực hiện đi tắt, đón đầu, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghệ mới, tranh thủ thành tựu khoa học và công nghệ, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, chúng ta đang và sẽ phải đối mặt với những hiểm họa từ thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh cùng với những vấn đề toàn cầu, như: buôn lậu, buôn bán người, vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, khủng bố quốc tế, ô nhiễm môi trường, tội phạm kinh tế quốc tế, nhất là tội phạm công nghệ cao, v.v. Những thách thức này đã tác động, đe dọa nghiêm trọng, trực tiếp đến quốc phòng, an ninh của đất nước, nhất là vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, kinh tế, chính trị, văn hóa,... với tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp, lâu dài; quy mô, phạm vi ngày càng toàn diện, rộng lớn, xuyên quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi mọi cá nhân, tổ chức trong nước và các quốc gia, tổ chức quốc tế phải hợp tác, chung tay để ngăn chặn, ứng phó. Dưới đây, chúng tôi xin luận giải mấy tác động cơ bản của an ninh phi truyền thống từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nước ta để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Thứ nhất, làm suy giảm sức mạnh quốc phòng, an ninh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, quốc phòng, an ninh nói riêng. Cuộc cách mạng này đang, sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, sự phát triển khoa học và công nghệ quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng bảo đảm của chúng ta chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý vấn đề này thiếu đồng bộ, nhất là việc kiểm soát, xử lý các thông tin trên mạng in-tơ-nét chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, nên còn để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động, nói xấu Đảng, chế độ, hạ thấp vai trò của lực lượng vũ trang, chia rẽ mối đoàn kết giữa Quân đội với Đảng và nhân dân, v.v. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của quốc gia, dân tộc. Nguy hiểm hơn, gần đây, lợi dụng những thành tựu mới của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng gieo rắc tư tưởng tuyệt đối hóa yếu tố vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí công nghệ cao; thậm chí cho rằng với trí tuệ nhân tạo, rô-bốt thông minh sẽ thay thế con người trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, v.v. Đồng thời, phê phán các quan điểm của Đảng, Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; ngăn cản việc huy động cơ sở vật chất từ nền kinh tế, khả năng đầu tư cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang,… dẫn đến làm suy giảm khả năng dự trữ, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.
 
Thứ hai, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Chúng ta biết, trật tự, an toàn xã hội là trạng thái xã hội phát triển ổn định, có kỷ cương; trong đó, mọi công dân được sống an toàn, quyền lợi cá nhân được bảo vệ, trên cơ sở pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội đã xác định. Nội dung bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, gồm: phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự công cộng, trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, v.v. Hiên nay, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang xuất hiện nhiều loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các loại tội phạm rửa tiền, đánh bạc xuyên quốc gia,… gây mất trật tự, an toàn xã hội. Không những thế, nó còn kìm hãm sự phát triển kinh tế; gia tăng đói nghèo; khủng hoảng xã hội, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ đoàn kết nội bộ, làm giảm sút tiến tới mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, quá trình đấu tranh bảo vệ an toàn thông tin mạng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh có thể hình thành nguy cơ xung đột vũ trang. Hiện nay, một trong những tác động rõ nét nhất của an ninh phi truyền thống bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tấn công mạnh mẽ vào hệ thống thông tin mạng quốc gia nói chung, mạng quốc phòng, an ninh nói riêng bằng mã độc. Vì thế, Việt Nam phải thiết lập phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng, nhất là mạng quốc phòng, an ninh, tổ chức diễn tập và ứng dụng trong thực tiễn. Trong khi đó, các thế lực thù địch (cả trong nước và nước ngoài) luôn tìm cách tấn công phá hoại hệ thống mạng trung tâm dữ liệu quốc gia, nhằm đánh cắp thông tin, tài liệu bí mật quân sự, quốc phòng, an ninh của đất nước và việc phòng, chống nó đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương thức; trong đó, bao hàm cả biện pháp quân sự. Điều đó cho thấy, nguy cơ xung đột vũ trang hình thành từ thách thức an ninh phi truyền thống trong cách mạng công nghiệp 4.0 là không thể xem thường.
  
Theo chúng tôi, trên cơ sở nghiên cứu, dự báo những nguy cơ từ an ninh phi truyền thống, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
  
Một là, quán triệt và hiện thực hoá quan điểm của Đảng“Chủ động xây dựng, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn”. Khắc phục triệt để sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, văn hóa tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, bảo đảm sự phát triển hài hòa cả hai lĩnh vực. Tăng cường bảo đảm an sinh, thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của nhân dân và tăng cường quốc phòng, an ninh,… là những vấn đề cơ bản, tạo nền tảng vững chắc cho việc đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Hai là, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Quán triệt, giáo dục sâu rộng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho toàn xã hội, tập trung vào địa bàn trọng điểm, chiến lược về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tổ chức nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp ứng phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 để làm cơ sở giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị.
  
Ba là, tạo nền tảng vững chắc để phòng, chống hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, nhất là việc cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội trong mọi tình huống; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đề cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả; tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án đã được phê duyệt. Chú trọng đầu tư, chuẩn bị cả về con người (lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và rộng rãi) và phương tiện, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
  
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa việc đối phó với thách thức an ninh phi truyền thốngtheo hướng huy động mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư,… tham gia. Phân cấp, phân nhiệm rõ ràng cho các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức lực lượng toàn dân và huy động cơ sở vật chất tại chỗ, kết hợp với cơ động lực lượng, phương tiện từ nơi khác đến, nhằm đối phó kịp thời, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên từng địa bàn, khu vực, chú trọng vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện, phải tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, bảo đảm thống nhất, liên tục, coi đây là yếu tố tiên quyết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.
  
Năm là, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường khả năng ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống. Tập trung đầu tư thích đáng, sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, cơ quan an ninh, cảnh sát của các nước trong vấn đề an ninh phi truyền thống, đấu tranh phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế hợp tác. Chú trọng hợp tác với các nước ASEAN trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, hỗ trợ nhân đạo; đối phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp,… góp phần giảm thiểu tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
  
Trên đây là một số nghiên cứu bước đầu về tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống từ cuộc cách mạng công nhiệp 4.0 và một số biện pháp ứng phó, rất mong được trao đổi cùng bạn đọc.

Nguồn: tuyengiaobinhphuoc.org.vn