Admin
THỰC TRẠNG KINH DOANH ĐA CẤP: VÒI BẠCH TUỘC BIẾN HÌNH: Bài 2: Lật lại những vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp "kinh thiên động địa"
Lượt xem: 1488
Từng tham gia viết bài từ những ngày đầu khi Công ty Colony Invest lừa đảo, đến những công ty sau này như MB24, Khải Thái... chúng tôi đã tiếp xúc với hàng trăm nạn nhân – những người vì lợi nhuận trước mắt đã bị các đối tượng câu nhử tự “chui đầu” vào rọ, bị các đối tượng lừa đến khánh gia bại sản. 

>>> Bài 1: Đại tá "dỏm" và những chiêu lừa kinh doanh đa cấp tinh quái

Vòi “bạch tuộc” Colony Invest và vòng xoáy Tâm Mặt Trời                  

Được coi là vụ án kinh doanh đa cấp đầu tiên bị phát hiện ở Việt Nam, vòi “bạch tuộc” của Colony Invest thực sự đã trở thành cơn bão cuốn theo bao tiền của của hàng nghìn người dân. 

Thời điểm 2006-2007, Internet ở Việt Nam còn mới phát triển, nhiều người chưa hề biết mạng là gì, thế nhưng, vì món lời hứa hẹn từ Công ty này đem lại, lượng truy cập website "www.colonyinvest.net" của Colony Invest tăng vùn vụt từng ngày. Nhiều người sẵn lòng bỏ ra các khoản tiền lớn để tham gia kinh doanh cùng Công ty. Bởi theo quảng cáo, Công ty Colony Invest Management. Ltd (có trụ sở tại Rochester, New York) là một trong những nhà kinh doanh độc quyền của Forex và là nhà quản lý quĩ đầu tư hàng đầu tại Hoa Kỳ, với lượng giao dịch luôn vượt quá 300 triệu USD/năm.

Tại Việt Nam khi đó xuất hiện một chi nhánh của công ty này. Nhân viên Công ty tỏa đi các nơi thu hút người tham gia góp vốn để đầu tư vào các lĩnh vực siêu lợi nhuận, như sòng bạc ở Las Vegas, thế giới trò chơi Disney Land và thị trường tài chính ở các sàn London, New York, Hong Kong… 

Người chơi mua tiền điện tử theo số điểm quy ước sẽ được nhận khoản lãi dao động 2,5-3% một ngày, được chia đều vào tài khoản tiền mặt và tài khoản tái đầu tư. Ngoài khoản lợi tức này, họ còn được hứa hẹn trả hoa hồng theo cấp bậc khi mở rộng mạng lưới. Việc đóng tiền đầu tư thông qua người môi giới và được cấp một tài khoản cùng mật khẩu, không có biên nhận, phiếu thu, không được rút phần vốn đã góp. Người chơi có thể mua bán điểm với nhau nên giao dịch trong mạng lưới dưới dạng tiền "ảo" ngày càng mở rộng. Tiền vốn góp "nở" ra trông thấy từng ngày, hiển thị dưới những dãy số trên website của công ty.

Lực lượng Công an khám xét trụ sở Công ty Khải Thái.

Khi dòng tiền nhiều triệu đô trong nước đã dồn về tài khoản của Colony Invest thì website của công ty này đột ngột "tịt ngóm", bộ sậu lãnh đạo chi nhánh cũng biến mất khỏi Việt Nam. Sự thật chỉ được phơi bày khi cơ quan chức năng vào cuộc. Đó là kiểu huy động vốn tín dụng bằng ngoại tệ theo hình thức đa cấp, hứa trả lãi suất cao và hoàn toàn không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. 

Trong "ma trận" Colony Invest giăng ra, tiền lãi từ các khoản đầu tư "cao ngất trời" chính là tiền của những người mới tham gia trả cho người chơi cũ. Trên thực tế, số tiền quay vòng không phát sinh lợi nhuận, mà chỉ chuyển cho người chơi theo từng cấp độ. 

Cơ quan Công an cũng xác định, Colony Invest không hề có đại diện, không đăng ký kinh doanh, cũng như không có trụ sở ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Việc huy động vốn qua mạng không có người đứng ra chịu trách nhiệm, các thông tin liên hệ trên website này đều là giả hoặc không có. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 11 bị can – là những đối tượng cầm đầu ở Việt Nam, thu và hưởng lợi bất chính từ việc kinh doanh đa cấp của Công ty này.

Tháng 9-2009, Nguyễn Hoàng Vũ cùng với Đỗ Văn Hiền và Lê Văn Đình thành lập Công ty Tâm Mặt Trời, có trụ sở tại tòa nhà Indochina thuộc phường Đakao, quận 1, TP Hồ Chí Minh. 

Đến tháng 8-2010, Thiên Sanh Trí tham gia cổ đông thứ tư. Với mục đích thành lập công ty để thuê người lập trình phần ứng dụng cho website www.emt.com.vn tạo ra các “gian hàng ảo” để bán cho khách hàng chiếm đoạt tiền nên mặc dù không được cấp giấy chứng nhận kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng các đối tượng vẫn sử dụng 2 trang web của chúng như sàn giao dịch điện tử thực sự.

Kết thúc vụ án, cơ quan CSĐT đã xác định các đối tượng Nguyễn Hoàng Vũ, Đỗ Văn Hiền, Lê Văn Đình, Thiên Sanh Trí bán 23.348 “gian hàng” với tổng số tiền thu được là gần 122 tỷ đồng. Thông qua việc này, các bị can đã được hưởng lợi hơn 8,7 tỷ đồng.

Các đối tượng chủ chốt trong Công ty Tâm Mặt Trời tại tòa án.

Đầu tư “trên trời” tại Khải Thái

Khác với Colony Invest hay MB24, ngay khi các đối tượng bị bắt giữ, đa số người dân đều nhận thức được mình bị lừa, viết đơn tố cáo đối tượng, mong lấy lại được tiền, vụ các đối tượng ở sàn vàng Khải Thái lừa đảo, nhiều bị hại cứ một mực cho rằng Công ty này làm ăn uy tín, trả lãi sòng phẳng. Thậm chí, một số người còn kéo đến trụ sở Cục Cảnh sát hình sự đòi trả tự do cho các đối tượng để chúng tiếp tục kinh doanh. Họ không hề nhận thức được rằng, với lãi suất 36 đến 42%/năm thì kinh doanh gì mang lại được?

Thực chất, toàn bộ tiền đầu tư của người dân vào Công ty này, đối tượng cầm đầu là Sa Ga (người Trung Quốc) không hề kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Một tháng trước khi bị bắt giữ, Sa Ga còn bày ra một kịch bản tổ chức hội thảo giới thiệu dự án xây dựng "Khách sạn tình yêu" lớn nhất tại Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo, móc thêm tiền của nhà đầu tư. Hội thảo được tổ chức quy mô rầm rộ với 1.500 nhà đầu tư tham gia, thuê địa điểm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Sa Ga "mời" một đoàn "chuyên gia" gồm hơn 10 người từ Trung Quốc sang, thuê khách sạn 5 sao cho đoàn "chuyên gia" ở để dự hội thảo. 

Trong buổi hội thảo, Sa Ga cho trình chiếu một bản slide 3D về dự án "Khách sạn tình yêu" cao tầng với thiết kế ôtô chạy thẳng vào… phòng ngủ, không cần gửi trong hầm trông giữ xe như những cao ốc thông thường khác. Tuy nhiên dự án này được xây dựng ở đâu thì Sa Ga lờ đi không đề cập đến…

Bị mê hoặc bởi lãi suất ủy thác quá lớn và hoa hồng cao như vậy nên người dân không nghi ngờ về những dự án "trên trời" mà Sa Ga vẽ ra, thi nhau nộp tiền đầu tư mà không hề tìm hiểu về hoạt động của công ty. Thực tế sau khi thu tiền của nhà đầu tư, Công ty Khải Thái không có bất kỳ hoạt động đầu tư, kinh doanh gì. Tiền do người dân đến công ty nộp để ủy thác đầu tư hoặc chuyển qua tài khoản đều bị Sa Ga chiếm đoạt, chi tiêu cá nhân.

So sánh những gì mà Công ty Colony Invest bắt đầu "làm" tại Việt Nam và tất cả các công ty bị phát hiện thời gian vừa qua đến Công ty Liên kết Việt hiện nay, rõ ràng, đều có sự tương đồng ở chỗ: đều không làm phát sinh bất kỳ một giá trị gia tăng hay sản phẩm hữu hình nào cho xã hội. Nếu như Công ty MB24, Tâm Mặt Trời bán các gian chợ "ảo" trong hệ thống đa cấp theo sơ đồ hình cây, thì công ty Liên kết Việt, hay Khải Thái...người đầu tư chỉ cần nộp tiền rồi đợi lãi suất.

Từ những con số "khủng" trong các vụ án đa cấp gây rúng động dư luận, một lần nữa người dân cần phải thật tỉnh táo trước sự dụ dỗ "đường mật" của những mạng lưới đa cấp lừa đảo một cách bài bản và chuyên nghiệp. Các đối tượng thường “vẽ” viễn cảnh chỉ với thời gian ngắn, lôi kéo được số lượng người tham gia bán hàng là có thể thu hồi toàn bộ số vốn đã bỏ ra, đồng thời được thêm những khoản lương, hoa hồng hậu hĩnh khác. Đối tượng kinh doanh còn “vẽ” ra thêm nhiều tấm gương thành công, giàu có để “nhử” thêm nhiều người khác tham gia nên không ít người đã bỏ tới đồng tiền cuối cùng của gia đình, hay đi vay nặng lãi để lao vào canh bạc đỏ đen mang tên đa cấp theo cách ấy…
Nguồn: CAND Online