Nhà văn người Pháp Đi-đơ-rô từng nói: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Câu nói ấy rất đúng với trường hợp của Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn - người trinh sát an ninh gắn bó với công tác xã hội ngay sau khi rời giảng đường đại học. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại quá trình cống hiến của Trung tá Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Phước, người luôn hăng say với những chuyến công tác thiện nguyện, như một cánh chim én nhỏ nhưng vẫn miệt mài quanh năm để mang Xuân ấm áp đến cho những mảnh đời kém may mắn những niềm vui, mái ấm hạnh phúc mà không chờ đợi đến mùa Xuân.
KHÓ KHĂN KHÔNG NGĂN ĐƯỢC NHIỆT HUYẾT
Sau nhiều lần đề nghị được gặp mặt nhưng đều không thành do bận việc chuyên môn. Đến cuối tháng 8-2019, chúng tôi đã gặp gỡ Trung tá, Tiến sĩ trẻ Nguyễn Chí Toàn, hiện đang giữ chức Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Phước. Trong câu chuyện về công tác xã hội, anh chia sẻ về cơ duyên đến với công việc mà anh đã gắn bó suốt nhiều năm qua: “Tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân cuối năm 2006, tôi được phân công về công tác tại Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Bình Phước. Kể từ đó, tôi gắn bó với các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Qua những chuyến công tác, tôi gặp gỡ được các đối tượng tham gia Fulro (là một tổ chức của các sắc tộc Cao nguyên Trung phần, Chăm, Khmer chủ trương hoạt động đòi quyền tự quyết, đòi ly khai vùng lãnh thổ Tây Nguyên để thành một nước độc lập), những người già làng, chức sắc thì tôi mới đúc rút ra những nguyên nhân tại sao đời sống kinh tế của đồng bào khó khăn, các phong trào quần chúng hoạt động ở địa bàn yếu. Từ đó tôi đề xuất lãnh đạo quan tâm cho đoàn thanh niên trong đơn vị tập trung hỗ trợ phát triển phong trào ở các vùng này. Lúc đó mong muốn sâu xa nhất của tôi là phải làm sao để vận động được số đối tượng theo Fulro trên địa bàn huyện Bù Đăng quay lại”.
Đồng chí Nguyễn Chí Toàn thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiệt huyết là vậy, nhưng thời điểm đó, Nguyễn Chí Toàn chỉ mới 25 tuổi đời và chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác trinh sát an ninh. Muôn vàn khó khăn để anh có thể làm tốt công tác dân vận, tiếp cận với những đối tượng cần cảm hóa giáo dục, chứ chưa nói đến việc làm cho họ nghe và làm theo lời của anh. Thế nhưng, với quyết tâm thực hiện mục tiêu, Nguyễn Chí Toàn vừa học vừa làm theo lời dạy của Bác Hồ “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Anh rèn luyện cho mình một phong cách làm việc giản dị, gần gũi, thường xuyên đến với dân, trực tiếp nghe và giải quyết các yêu cầu của dân theo đúng chức năng, sẵn sàng giang tay giúp đỡ những người lâm vào cảnh bần cùng, hoạn nạn hay ốm đau, bệnh tật.
NHỊP CẦU CHO NHỮNG CHUYẾN ĐI
“Quá trình đi làm thì mình gần gũi, lắng nghe và thấy được từng hoàn cảnh, cuộc sống khó khăn của người dân tự nhiên mình cảm thấy có sự thúc đẩy lương tâm, trách nhiệm của mình. Cùng với sự nắm bắt được nhu cầu của bạn bè mình muốn làm từ thiện, tôi đã vận động và đưa những món quà đó đến đúng người cần giúp đỡ”- Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn cho hay.
Anh vui vẻ kể tiếp, lúc ban đầu đi làm từ thiện thì chỉ nghĩ là giúp người dân thôi, nhưng quá trình làm đã tạo cơ hội để thực hiện công tác dân vận kết hợp với tuyên truyền pháp luật, rồi vận động bà con tham gia các phong trào hành động cách mạng. Vì khi những việc anh làm đã tạo được uy tín thì tiếng nói của anh rất có giá trị trong vùng đồng bào dân tộc. Khi có những đối tượng bên ngoài vào truyền đạo trái pháp luật, anh nói bà con là bà con đuổi ra ngay.
Bằng tấm lòng nhân ái của mình, dần dà anh trở thành nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm với người nghèo trên khắp các địa bàn của tỉnh. 13 năm gắn bó với ngành công an cũng là ngần ấy năm Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn sát cánh với các mạnh thường quân đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xây cầu, xây nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội và làm từ thiện.
Đồng chí Nguyễn Chí Toàn trong 1 chuyến trao quà từ thiện và tuyên tuyên pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tuy trải qua nhiều vị trí và địa bàn công tác khác nhau do yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm. Từ tháng 9-2017 đến nay, anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh kinh tế. Nhưng anh vẫn chăm chỉ như cánh én nhỏ xuôi ngược dệt Xuân ấm áp cho đời mà không chờ đến mùa Xuân theo quy luật của đất trời. Có thể nói, ở đâu cũng có dấu chân anh để những cảnh đời bất hạnh, nghèo khổ vơi bớt phần nào khó khăn. Với phương châm “Mỗi ngày làm một việc tốt phục vụ nhân dân” và ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”, Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn đã xây dựng cho mình một phong cách làm việc thấu tình đạt lý, gắn bó với tập thể, là trung tâm quy tụ sức mạnh tập thể. Không những thế, anh còn thường xuyên đến với lực lượng công an cơ sở. Bởi anh biết rất rõ, đội ngũ này còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhất là về nhà ở. Anh trực tiếp nghe và tường tận từng hoàn cảnh, rồi làm cầu nối cùng với nhà hảo tâm giúp đỡ để họ từng bước an cư lạc nghiệp và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chí Toàn bàn giao căn nhà tình thương cho gia đình bà Thạch Thị Dung tại huyện Đồng Phú.
NIỀM VUI RIÊNG TỪ HẠNH PHÚC CHUNG
Đến thời điểm này, Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn không thể nhớ rõ mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến từ thiện, chỉ ước chừng đã cùng các mạnh thường quân xây dựng 1 cây cầu dân sinh, trao tặng 66 căn nhà tình thương, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình điện thắp sáng đường thôn, 1 chốt bảo vệ an ninh trật tự, 31 nhà nghĩa tình đồng đội; trao tặng gần 18.000 phần quà cho học sinh nghèo, các hộ gia đình khó khăn, đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Tổng trị giá trên 7 tỷ đồng. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực, được địa phương, đồng đội và nhân dân đánh giá cao.
Bà Điểu Hà Hồng Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nhận xét: “Cá nhân đồng chí Nguyễn Chí Toàn cũng đã quan tâm rất là nhiều tới những hoàn cảnh khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và anh em công an viên ở địa phương nói riêng. Đặc biệt là nhà ở, rồi cầu dân sinh. Bên cạnh đó đồng chí Toàn cũng hướng các hoạt động phong trào về địa phương, bà con nhân dân rất là tin tưởng”.
Riêng gia đình chị Đàm Thị Eng, vợ anh Dương Đặng Vững, hiện là công an viên xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, sau hơn 4 năm được Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn quan tâm vận động mạnh thường quân hỗ trợ 60 triệu đồng để xây ngôi nhà mới. Khi chúng tôi đến thăm, anh chị rất xúc động trước tình cảm mà Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn đã dành cho gia đình nhỏ của anh chị. Chị Eng nghẹn ngào trong nước mắt hạnh phúc: “Trước đây gia đình em sống trong cái nhà cũ mưa gió dột dữ lắm, ngập cả nền nhà. Khi em đi làm ở công ty về nghe chồng nói có anh Toàn hỗ trợ nguồn vốn để làm nhà, em mừng lắm. Vì lúc đó mơ ước của vợ chồng em xa lắm, không biết bao giờ mới sửa lại được căn nhà cho đàng hoàng. Em xin cảm ơn anh Toàn và các mạnh thường quân đã giúp em nguồn vốn để em xây được ngôi nhà như ngày hôm nay. Các con em có chỗ ở ổn định, không sự mưa gió. Vợ chồng em đã đạt được ước mơ là có một ngôi nhà”.
Cũng chính từ những việc chăm lo cho đời sống của người dân và đồng đội đã giúp cho Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn luôn hoàn tốt nhiệm vụ chuyên môn, bởi anh cũng luôn nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ của Nhân dân và đồng đội. Hàng năm anh đều được lãnh đạo các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen và được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân”. Cuối năm 2018, anh vinh dự được được cấp bằng Tiến sĩ ngành Trinh sát an ninh sau 6 năm nghiên cứu, học tập - anh cũng là Tiến sĩ đầu tiên của lực lượng Công an tỉnh Bình Phước. Đến năm 2019, anh được Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước và Cụm thi đua số 6-Bộ Công an công nhận là “Điển hình tiên tiến xuất sắc trong công tác dân vận”.
Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn (bìa phải) được giao lưu, báo cáo điển hình thi đua tại Cụm 6 - Bộ Công an.
Đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn mà bất cứ người cán bộ, chiến sĩ công an nào cũng phấn đấu vươn tới với niềm tự hào “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Những nghĩa cử cao đẹp mà Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Phước đã và đang làm thật đáng quý và nên được nhân rộng trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong công tác Công an với mục tiêu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” thì những chuyến từ thiện là con đường ngắn nhất để các chiến sĩ công an đến gần hơn với trái tim của người dân.
VĂN THỦY - HỒ HIỀN