Admin
Tọa đàm về thực trạng công tác phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực
Lượt xem: 936
Ngày 31/5/2017, Công an tỉnh phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức tọa đàm về thực trạng công tác phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đại tá Bùi Xuân Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh và Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm Bộ Công an đồng chủ trì buổi toạ đàm.

Đây là một phần trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Đại tá PGS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, làm chủ nhiệm.



Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc
Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm Bộ Công an phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Đại tá Bùi Xuân Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã báo cáo đặc điểm tình hình công tác phòng chống tội phạm có sử dụng bạo lực trên địa bang tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, Bình Phước có đường biên giới giáp với Vương Quốc Campuchia dài hơn 260,4km, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với trình độ dân trí không đồng đều và nhiều hủ tục lạc hậu… là địa bàn hoạt động và mầm móng nảy sinh tội phạm sử dụng bạo lực. Đặc điểm tội phạm này ở Bình Phước là hoạt động đơn lẻ và mang tính bột phát nhưng rất liều lĩnh và manh động. Đa phần là xuất phát từ những mâu thuẫn xã hội do đó rất khó khăn cho công tác phòng ngừa.

Theo thống kê của Công an tỉnh, những địa bàn có tỷ lệ tội phạm sử dụng bạo lực cao gồm: thị xã Đồng Xoài, huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng và Chơn Thành. Trong đó tập trung vào 4 nhóm tội phạm: Nhóm tội phạm có sử dụng bạo lực xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm gồm các tội: giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em; Nhóm tội phạm có sử dụng bạo lực xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt gồm các tội: cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản; Nhóm thứ ba là tội chống người thi hành công vụ; Nhóm thứ tư là tội hủy hoạt hoặc cố ý gây hư hỏng tài sản người khác.

Nhiều ý kiến của các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương trong tỉnh đã nêu lên những khó khăn, cũng như thực tiễn công tác và các giải pháp đấu tranh, phòng chống với các loại tội phạm này. Đồng thời thảo luận, làm rõ các nội dung công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; hoạt động tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và cơ chế phản ứng đối với loại tội phạm này và việc giám định pháp y cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn...

Kết thúc buổi tọa đàm, phía Học viện Cảnh sát nhân dân cũng đề nghị Công an tỉnh Bình Phước phân tích yếu tố bạo lực qua đấu tranh chuyên án 715G (giết 6 người cướp tài sản xảy ra tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) và những bài học để đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.

T. SINH – N. HUẤN