Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã rất coi trọng đến công tác bảo vệ Đảng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch phá hoại Đảng, phá hoại cách mạng.
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng bổ, thực dân Pháp đàn áp tàn khốc phong trào cách mạng Việt Nam, hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị bắt, tù đày, lực lượng cách mạng bị tổn thất to tớn và buộc Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật.
Kể từ đây công tác bảo vệ Đảng được tăng cường hơn bao giờ hết, công tác bảo vệ an toàn khu, bảo vệ các cơ sở bí mật, các đường dây liên lạc bí mật do Đảng trực tiếp lãnh đạo và tổ chức.
Cũng giai đoạn này, lực lượng tự vệ vũ trang bảo vệ an toàn khu vùng ven đô Hà Nội và Ban Công tác đội bảo vệ căn cứ địa lục khu Cao Bằng ra đời.
Mọi hoạt động của các đồng chí Trung ương, các đường dây liên lạc và cơ sở bí mật của Đảng được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Có thể nói Ban Công tác đội là một trong những lực lượng đầu tiên bảo vệ Đảng với nhiệm vụ là bảo vệ sự an toàn của các căn cứ cách mạng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, giúp địa phương xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ cách mạng.
Ra đời trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng vững mạnh về mọi mặt, với nhiều chức năng nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó; góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN và nhân dân.
Bài học kinh nghiệm qua các thời kỳ cách mạng cho thấy, để tăng cường sức mạnh của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì trước hết cần làm tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, gắn xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng và tập trung vào những vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên tạo được sự thống nhất về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp uỷ Đảng thấy rõ trách nhiệm phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề sống còn của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức được rằng cần phải có thái độ chuẩn mực, trung thành, trung thực, khẳng định những thành tựu mà Đảng đã đạt được trong tiến trình lịch sử cách mạng, truyền thống đoàn kết của Đảng nhưng cũng nhận rõ những thiếu sót để từ đó rút kinh nghiệm, làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình.
Nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên trước âm mưu và hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Hai là, cần coi trọng công tác xây dựng Đảng, gắn xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng, đảm bảo vị trí lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Trong xây dựng Đảng, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, đấu tranh phê bình và tự phê bình, khuyến khích góp ý xây dựng Đảng.
Trong vấn đề này cần chú ý hành vi lợi dụng dân chủ, phê và tự phê để đả phá Đảng, Nhà nước, tổ chức, cán bộ, nhất là việc soạn thảo, tuyên truyền, tán phát tài liệu không có lợi cho Đảng, làm phức tạp nội bộ Đảng. Cần tăng cường quản lý cán bộ đảng viên, thực hiện tốt chính sách xã hội, chủ động cung cấp thông tin đấu tranh với luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.
Ba là, có kế hoạch làm trong sạch về chính trị nội bộ Đảng, trước hết là trong đội ngũ cán bộ cấp uỷ của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện chệch hướng.
Phát hiện và xử lý kịp thời những phần tử tiếp tay cho kẻ xấu, những cán bộ, đảng viên, thoái hoá, biến chất về chính trị, đạo đức, bị địch mua chuộc, lôi kéo, khống chế, nhận làm tay sai cho địch; những cán bộ đảng viên "tự diễn biến, tự chuyển hóa"; những cán bộ, đảng viên tham gia các tổ chức chính trị phản động, có hoạt động chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, truyền bá quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Khi xem xét đề bạt, điều động bố trí cán bộ vào các chức danh lãnh đạo và quản lý, cần xem xét kỹ tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác.
Bốn là, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, đẩy mạnh công tác đấu tranh với luồng tư tưởng, các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Tập trung chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện những luận điểm về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh tấn công chính trị nhằm hạn chế, ngăn chặn các hoạt động chống đối của số đối tượng cơ hội chính trị; tổ chức đấu tranh công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng phản bác lại những luận điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Mục tiêu của các thế lực thù địch là bằng mọi cách làm cho Đảng ta suy yếu, tự biến chất, mục ruỗng từ bên trong, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.
Với đường lối đúng đắn và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và toàn xã hội, với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã tạo những điều kiện vững chắc để chúng ta thực hiện tốt công tác bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
TS Nguyễn Trung Kiên
Nguồn: cand.com.vn