Admin
Ý kiến của Đại biểu Công an dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Lượt xem: 1408
Trung tướng Nguyễn Chí Thành, Trung tướng Trần Bá Thiều và Đại tá Phạm Mạnh Thường trao đổi với phóng viên CAND Online về những vấn đề đại biểu quan tâm trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Đại biểu Nguyễn Chí Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh: Cần nhận thức rõ về thách thức an ninh phi truyền thống

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, trong mục bảo vệ vững chắc Tổ quốc có nêu: “sẵn sàng ứng phó với các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”. Tôi rất tán thành với quan điểm này. Đối với vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng là vấn đề mới, nó phản ánh sự thay đổi nhận thức của con người về nội hàm khái niệm an ninh quốc gia.

Ở đây, tôi xin nói thêm rằng, an ninh phi truyền thống là không chỉ về bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn mang tính xuyên quốc gia do những mối uy hiếp, đe dọa của các nhân tố bên trong và bên ngoài đối với môi trường sinh tồn và phát triển của cộng đồng xã hội và công dân của mỗi quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và thế giới.

Sự xuất hiện an ninh phi truyền thống không tách biệt với an ninh truyền thống vì hai vấn đề này luôn đan xen nhau và có thể chuyền hóa lẫn nhau trong điều kiện nhất định. Trong thế giới hiện đại, an ninh của mỗi quốc gia vừa bao hàm an ninh chính trị, quân sự truyền thống và đang đối mặt với nhiều thách thức phi truyền thống như kinh tế, văn hóa, xã hội, thông tin, môi trường, tài nguyên, chủ nghĩa khủng bố…

Tiến trình toàn cầu hóa không ngừng gia tăng và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã tạo ra cơ hội phát triển mới của các quốc gia dân tộc, đồng thời cũng xuất hiện những nguy cơ rất dễ đổ vỡ trong xã hội hiện đại. Rồi vấn đề an toàn, an ninh mạng cũng là thách thức lớn của thế kỷ XXI, rất nhiều vấn đề mới phát sinh từ mạng internet mà chúng ta chưa thể kiểm soát được, khó lường được. Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của các thứ vũ khí thông minh có sức mạnh hủy diệt, ô nhiễm môi trường trái đất và xung quanh trái đất, sự khốc liệt của thiên tai, dịch bệnh đang tăng lên hàng ngày, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tôn giáo cực đoan ngày càng phát triển và luôn thực hiện các hoạt động chống phá xã hội bằng các thủ đoạn bạo lực... Trong tiến trình toàn cầu hóa, khi “biên giới mềm” chưa tạo thành hàng rào an ninh hiệu quả thì an ninh của các quốc gia dân tộc trở nên phức tạp, khó lường.

Từ đó ta thấy rằng, an ninh phi truyền thống là vấn đề lớn, rất hệ trọng, là nội dung quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Do đó việc đưa vấn đề này vào văn kiện Đại hội Đảng là cần thiết, làm cơ sở để các cấp, các ngành nghiên cứu, hoạch định chính sách và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn…

Đại biểu Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND: Không chủ quan trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

Tôi nhận thấy, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rất rõ công tác xây dựng Đảng, nhấn mạnh việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Đánh giá chung, công tác xây dựng Đảng 5 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, Đảng giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng nói chung cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm thể hiện trên các mặt, các nội dung, các khâu công tác như báo cáo đã nêu, đáng chú ý như: việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; chất lượng sinh hoạt đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn yếu… Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.

Tôi cho rằng, để làm được điều đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm.

Đối với công tác xây dựng Đảng trong CAND, qua 2 năm thực hiện, Chương trình hành động số 25 của Đảng bộ CATW đã tạo những chuyển biến rõ rệt. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, nhận diện rõ hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đã chủ động khắc phục, sửa chữa hiệu quả những khuyết điểm, hạn chế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Lực lượng CAND luôn là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước. Phải khẳng định rằng, trong lực lượng CAND không có cán bộ, đảng viên, chiến sỹ suy thoái về tư tưởng chính trị.

Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan với những kết quả đạt được bởi việc tu dưỡng, rèn luyện là công việc thường xuyên, liên tục, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc rèn luyện theo Nghị quyết Trung ương 4 “phải như việc đánh răng, rửa mặt hàng ngày”… Tổng cục Chính trị CAND đã tham mưu cho Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ các biện pháp triển khai có hiệu quả, chẳng hạn như thực hiện quy chế nêu gương, cán bộ lãnh đạo chỉ huy phải gương mẫu nhất trong thực hiện nhiệm vụ. Về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng cần tiếp tục bám sát những yêu cầu và hướng dẫn của Trung ương và Ủy ban Kiểm tra cấp trên để tiếp tục cụ thể hóa và tổ chức thực hiện trong Đảng bộ CATW. 

Đại biểu Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an Bắc Giang: Phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm

Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc sáng 21-1 đã nêu 6 vấn đề lớn. Trong đó, báo cáo đã nhấn mạnh nhiệm vụ “Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.  

Chúng ta thấy rằng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là nòng cốt. Từ đó, báo cáo đã xác định rõ mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội…

Vấn đề này cũng sẽ được các đại biểu thảo luận, phân tích, làm rõ thêm trong các phiên thảo luận, làm việc tại hội trường cũng như tại đoàn.

Được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII – sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đó là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là trọng trách mà bản thân tôi cũng như các đại biểu phải phấn đấu, phát huy trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm, hoàn thành tốt các nội dung, chương trình, đóng góp tích cực vào sự thành công của Đại hội.

Nguồn: CAND Online