Cảnh giác với tin giả và tỉnh táo tiếp nhận, chia sẻ thông tin khi sử dụng mạng xã hội là góp phần chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Trước diễn biến đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để đấu tranh với dịch Covid-19 trên mọi mặt trận. Riêng trên mặt trận truyền thông và báo chí, các ngành chức năng cũng đang nỗ lực hết mình đưa những thông tin xác thực nhất về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến đông đảo quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức về dịch Covid-19 và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, đi ngược lại với những nỗ lực đó lại xuất hiện những thông tin giả, “xấu”, “độc”, xuyên tạc liên quan đến dịch Covid-19 gây hoang mang trong dư luận, tác động tiêu cực đến tư tưởng của quần chúng nhân dân do những phần tử bất hảo, thù địch hoặc một số quần chúng thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin trên mạng xã hội đã đăng tải, chia sẻ làm phức tạp thêm tình hình. Đây là những hành động phải bị lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm khắc, đồng thời là yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong cuộc chiến chống Covid-19 trên mặt trận thông tin.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mặc dù Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông, Ban Tuyên giáo và các ngành chức năng đã ra sức làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật và cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các thông tin “xấu”, “độc” nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Từ đầu tháng 02/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 24 trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các trang mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Lực lượng Công an tỉnh đã xác minh, mời gọi, giáo dục và răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó ra quyết định xử phạt 10 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 75.000.000đ (Bảy mươi lăm triệu đồng), nhắc nhở, răn đe, yêu cầu xóa bài và viết bản cam kết không tái phạm đối với 14 trường hợp. Qua làm việc, cho thấy đa số các trường hợp đăng tin sai sự thật là do thiếu hiểu biết, chưa kiểm chứng nguồn tin nhận được từ mạng xã hội đã vội vàng chia sẻ; số ít do thường xuyên nghe thông tin từ các trang mạng không chính thống, tin vào các bài viết bôi nhọ, nói xấu về công tác phòng, chống dịch để chia sẻ nội dung phản ảnh sai về công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước; một số do nhận thức không đầy đủ về công tác phòng, chống dịch của chính quyền địa phương, chưa hiểu rõ các nội dung quy định về biện pháp phòng, chống dịch hoặc hoạt động của lực lượng chức năng đã vội vàng kết luận, suy diễn tình hình theo chiều hướng tiêu cực rồi đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.
Mới đây nhất, vào ngày 03/8/2020, khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, Công an tỉnh đã phát hiện 01 trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin với nội dung “Thuận Lợi có ca dương tính rồi đó, mọi người ở Đồng Xoài cẩn thận nhé. Cố gắng an toàn qua mùa dịch này cả nhà ơi” lên nhóm trên Facebook có tên “Chợ tốt Đồng Xoài”. Sau khi đăng tải, đã có rất nhiều người sử dụng facebook chia sẻ, bình luận và sao chụp gửi cho bạn bè, người thân trên địa bàn thành phố Đồng Xoài tạo nên tâm lý hoang mang lo lắng cho đông đảo quần chúng nhân dân. Qua làm việc với Cơ quan chức năng, chủ tài khoản cho biết đã đọc được thông tin trên Facebook nhưng không nhớ nguồn đăng, mục đích của việc đăng tải trên là để cho mọi người cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài ra không có mục đích gì khác. Đồng thời chủ tài khoản đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin trên là sai trái và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời, cam kết không tái phạm. Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp trên với số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân theo Điểm d, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi tung tin sai sự thật,
giả mạo trên mạng xã hội bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng
Thực tế trên cho thấy rất nhiều người nhận thức sai lầm, cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Để ngăn chặn hành vi tung tin giả, Quốc Hội đã ban hành Luật An ninh mạng 2018 và Chính phủ ban hành Nghị định số 15. Sự ra đời của Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15 là cơ sở pháp lý góp phần xây dựng môi trường không gian mạng văn minh hơn, đồng thời trở thành công cụ quản lý hiệu quả những hoạt động trên không gian mạng. Nghị định 15 là một biện pháp mạnh trong phòng, chống thông tin giả, sai lệch, ngăn chặn “bệnh” gây hoang mang dư luận trên mạng đang có xu hướng lan nhanh. Mức phạt tiền sẽ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội...
Để tránh trở thành những nạn nhân của tin giả và nâng cao tinh thần, trách nhiệm của công dân và góp phần chung sức phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người dân cần nắm rõ những quy định pháp luật và trau dồi những kỹ năng sau:
- Mỗi công dân cần nghiên cứu, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của Luật An ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Nhất là những quy định mà Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng và những hành vi bị cấm. Thực hiện đúng Luật, nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh mạng quốc gia.
- Nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng quốc gia. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; khi sử dụng internet và mạng xã hội nên lựa chọn thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống, không nên nghe, tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng, cần thận trọng trong việc sàng lọc, lựa chọn thông tin trước khi “like” hoặc “Share”, tránh trường hợp vì thiếu hiểu biết dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời thông báo với cơ quan công an gần nhất khi phát hiện thông tin được đăng tải là tin giả, bịa đặt để kịp thời ngăn chặn tin giả lan truyền trong cộng đồng; đồng thời, sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng khi được yêu cầu hỗ trợ xác minh và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động đăng tải thông tin giả trên không gian mạng.
- Cảnh giác trước thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; cảnh giác trước âm mưu gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Để chung tay chống lại dịch Covid-19, bên cạnh nỗ lực của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, mỗi người dân cần chung sức, đồng lòng lên án và loại bỏ những thông tin giả, xấu độc ra khỏi không gian mạng, tạo môi trường lành mạnh, hữu ích cho người sử dụng Internet./.
VĂN TRỌNG