Admin
Công an Bình Phước phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân
Lượt xem: 1054
Nhận thức rõ việc giao tiếp, ứng xử với nhân dân có vai trò rất quan trọng giúp cho cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và củng cố các mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng bền chặt. Đặc biệt là đối với lực lượng Công an nhân dân, trách nhiệm nêu gương cũng như văn hóa giao tiếp, ứng xử với nhân dân càng có vai trò quan trọng hơn trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ với nhân dân cũng như các lực lượng xã hội khác, tạo ra sự tôn trọng, hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy với tư cách là lực lượng nòng cốt tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức và công dân, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, trong những năm qua cùng với việc lãnh đạo tổ chức xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa ứng xử, tiếp xúc với nhân dân, đề cao trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, chiến sỹ Công an Bình Phước, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức kỷ luật, kỷ cương, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Để xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử trong toàn lực lượng, Đảng ủy Công an tỉnh đã bám sát nội dung Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 01-QĐi/ĐUCA, ngày 28/01/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đến tất cả các chi, đảng bộ cơ sở, cán bộ, đảng viên thực hiện. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí nêu gương đối với từng đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư, Cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng những nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp, thiết thực và đồng bộ, với tinh thần phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu các đơn vị. 

Ngoài việc, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống và phong cách ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn trực tiếp tham gia các buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề với cán bộ, chiến sỹ thông qua đó vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vừa tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ. Tổ chức mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT, CSTT, CSQLHC về TTXH, PCCC, quản lý XNC... Chỉ đạo tổ chức các cuộc thi, hội thi (CAND với văn hóa giao thông, phụ nữ Công an tỉnh tài năng, duyên dáng, Đoàn Thanh niên với hội thi rung chuông vàng, tìm hiểu pháp luật...), nhằm ôn lại kiến thức gắn với giáo dục truyền thống và lồng ghép việc giáo dục thái độ ứng xử văn hóa cho cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng trong các cuộc thi, hội thi, nhất là những tình huống thường xuyên hoặc bất ngờ gặp phải trong quá trình tiếp xúc và giải quyết công việc với Nhân dân.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị thường xuyên giao tiếp, giải quyết công việc với Nhân dân căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ cho phù hợp. Đồng thời, tích cực chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ngành đã được giải quyết nhanh chóng, cụ thể như: thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy các công trình xây dựng rút ngắn từ 10 ngày làm việc xuống còn 07 ngày làm việc; thủ tục làm con dấu mới; cấp lại, cấp đổi và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu giảm từ 04 ngày làm việc xuống 03 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ giảm từ 10 ngày làm việc xuống 05 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 05 ngày làm việc xuống còn 04 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy phép khắc dấu, chứng nhận đăng ký mẫu dấu từ 04 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 05 ngày làm việc xuống còn 04 ngày làm việc... Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu tăng cường công tác kiểm tra điều lệnh thường xuyên và đột xuất, kiểm tra nội dung về văn hóa giao tiếp, ứng xử đối với cán bộ, chiến sỹ tại các đơn vị. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện giáo dục, nhắc nhở trực tiếp và chỉ đạo các đơn vị khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để thực hiện tốt hơn về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng. 



Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ và các ban ngành, đoàn thể xã hội các cấp, hằng năm đều tổ chức các Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; riêng trong năm 2019 đã thu hút được trên 8.600 lượt quần chúng tham gia và nhận được 1.189 ý kiến góp ý của Nhân dân, trong đó có 307 ý kiến khen ngợi và 108 ý kiến phê bình về đạo đức, tác phong; 259 ý kiến khen ngợi và 64 ý kiến phê bình về tinh thần, thái độ, ý thức phục vụ nhân dân của lực lượng Công an xã; 267 ý kiến phản ánh tình hình ANTT ở cơ sở; 317 ý kiến góp ý đối với công tác đấu tranh PCTP, TNXH và công tác xây dựng lực lượng Công an. Sau mỗi đợt lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đều nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh những nội dung mà Nhân dân nhận xét, góp ý chưa tốt, những biểu hiện chưa đúng, những sai sót của cán bộ, chiến sỹ. Cùng với việc xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cán bộ, chiến sỹ. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ các gia đình, những người yếu thế, khó khăn, hoạn nạn, khắc phục hậu quả thiên tai...  

Từ những việc làm thiết thực trên đã góp phần quan trọng xây dựng lực lượng Công an tỉnh vững mạnh; xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sỹ Công an trong lòng Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Nhiều tập thể, cá nhân trong toàn lực lượng Công an tỉnh được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và tỉnh đánh giá cao, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Riêng trong năm 2019, Công an tỉnh có 01 tập thể và 08 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III; 17 cá nhân được tặng Huy chương “Vì ANTQ”; 54 cá nhân được tặng Huy chương “Chiến sĩ vẻ vang” các Hạng Nhất, Nhì, Ba; 01 cá nhân đượng tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 02 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND; Bộ Công an tặng Bằng khen cho 28 tập thể, 79 cá nhân; các Bộ, ngành tặng Bằng khen 02 tập thể, 03 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 77 tập thể, 114 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen cho 290 tập thể, 768 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu và XDLL, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng Công an tỉnh. Thành tích của Công an tỉnh Bình Phước trong phong trào thi đua “Vì ANTQ” được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao… 



Đ/c Huỳnh Anh Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước
trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng III cho Công an thị xã Bình Long
 
Để tiếp tục phát huy tinh thần vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ đưa việc nêu gương lên mức tự giác, đi vào nề nếp, trở thành hành động mang tính văn hóa cao cho mỗi cán bộ, chiến sỹ trong tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, cá nhân, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an và của Tỉnh ủy bằng những nội dung, biện pháp cụ thể, thiết thực, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của Ngành. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tinh thần nêu gương của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử đối với nhân dân trong lực lượng Công an tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sỹ thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương, nêu cao tinh thần, trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đạo đức công vụ và Điều lệnh Công an Nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sỹ vi phạm về văn hóa giao tiếp, ứng xử, nhất là đối với cán bộ, chiến sỹ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, có thái độ, lời nói không đúng mực đối với Nhân dân; có tư thế, lễ tiết, tác phong thiếu chuẩn mực, vi phạm Điều lệnh Công an Nhân dân. Đồng thời, xác định trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo trực tiếp quản lý đơn vị khi để xảy ra có cán bộ, chiến sỹ vi phạm về văn hóa giao tiếp, ứng xử, nhằm nâng cao ý thức tự giác nêu gương của cán bộ lãnh đạo các đơn vị và tăng cường quản lý, giáo dục chiến sỹ trong rèn luyện đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử trong từng đơn vị.

Ba là, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong giao tiếp giải quyết các thủ tục hành chính đối với cơ quan, tổ  chức và công dân phù hợp với từng đơn vị. Những chuẩn mực quy tắc ứng xử văn hóa của người cán bộ, chiến sĩ Công an khi giải quyết các thủ tục hành chính đối với các tổ chức, công dân có thể là: Lễ phép và xưng hô đúng mực, thái độ hòa nhã, khiêm tốn trước nhân dân; Kính trên, nhường dưới, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân; Giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong của người Công an khi tiếp xúc với nhân dân; Thực sự đoàn kêt với nhân dân, thể hiện thái độ gần gũi, quan tâm khi tiếp xúc với nhân dân; Quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của nhân dân và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn; Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật khi tiếp xúc với tổ chức, cá nhân người nước ngoài... Đồng thời, có thể đưa ra những phương châm thực hiện khi giao tiếp giải quyết các thủ tục hành chính đối với tổ chức và công dân cho phù hợp.

Bên cạnh việc xây dựng những quy tắc ứng xử cho từng đơn vị trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân thì các đơn vị cũng cần tập trung rà soát để sửa đổi hoặc tham mưu bãi bỏ các văn bản quản lý hành chính không phù hợp, phân cấp cho cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Công khai hóa và cải cách quy trình thủ tục hành chính để tạo ra sự chuyển biến nhanh chóng trong giải quyết công việc và tạo hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an văn minh, lịch sự, vì nhân dân phục vụ.

Bốn là, đề nghị Bộ nghiên cứu đưa nội dung giáo dục về văn hóa giao tiếp, ứng xử vào chương trình học tập, bồi dưỡng của các trường thành một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo các cấp học trong các trường CAND. Nghiên cứu cụ thể hóa một số nội dung văn hóa giao tiếp, ứng xử vào nội dung quy định của điều lệnh, đưa nội dung này vào quy định trong việc xét công nhận đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệnh; nội dung áp dụng văn hóa tự giác và thường xuyên là nhiệm vụ của mỗi CBCS.

Năm là, chú trọng bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ. Thường xuyên đưa nội dung giáo dục văn hóa giao tiếp, ứng xử vào các hoạt động chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt đảng, sinh hoạt đơn vị và đoàn thể quần chúng. Tăng cường phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tham gia giám sát, đóng góp ý kiến để xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử của lực lượng Công an tỉnh, đặc biệt là tiếp tục duy trì tổ chức Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; tổ chức hòm thư góp ý, các đường dây nóng để biểu dương những việc làm tốt và phê phán những việc làm chưa tốt của các đơn vị và cá nhân CBCS. Ngoài việc lắng ý kiến đối với lực lượng có tiếp xúc với nhân dân cần tổ chức lắng ý kiến đối với các đơn vị nơi đóng quân, cán bộ nơi cư trú. Đây là kênh thông tin quan trọng để nhận xét, đánh giá phẩm chất đạo đức của cán bộ, chiến sỹ.

Sáu là, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho các đơn vị và CBCS có môi trường tự nhiên, xã hội lành mạnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho CBCS. Trong điều kiện còn khó khăn nhưng các đơn vị cần quan tâm đầu tư để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, đầu tư cho các phòng tiếp công dân khang trang, sạch sẽ tạo sự thân thiện giữa người dân với cơ quan Công an. Các thiết chế văn hóa như thư viện, phòng đọc, phòng truyền thống cũng cần được đầu tư để nâng cao nhận thức về văn hóa cho cán bộ, chiến sỹ. Các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng cần đầu tư để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

ĐẠI TÁ, THS BÙI XUÂN THẮNG       
GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH BÌNH PHƯỚC