Công an tỉnh tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021
Ngày 11/7/2017, Bộ Công an ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021. Căn cứ vào Kế hoạch của Bộ Công an và Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021, hàng năm, Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực hiện công tác PBGDPL, qua 05 năm thực hiện Công an tỉnh đã đạt được kết quả như sau:
Thứ nhất, về công tác tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai.
Công an tỉnh thường xuyên phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ chiến sĩ, đảng viên, cấp ủy Đảng và lãnh đạo các đơn vị về nội dung của Quyết định số 705/QĐ-TTg, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ chiến sĩ, đảng viên trong công tác PBGDPL. Luôn đề cao vai trò của cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác PBGDPL, gắn PBGDPL với quán triệt phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và nhiệm vụ chính trị của Công an tỉnh.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Chỉ thị số 44/CT-TU ngày 30/7/2020 của Tỉnh ủy Bình Phước về tăng cường công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Ảnh: Tuyên truyền PBGDPL tại KCN Minh Hưng, Chơn Thành
Thứ hai, về tổ chức thi hành Luật PBGDPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về PBGDPL.
Công an tỉnh thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của lực lượng Công an, các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực an ninh, trật tự và hoạt động của lực lượng Công an được thông qua và có hiệu lực trong giai đoạn 2017-2021, như: Bộ luật Hình sự 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Giao thông đường bộ; Luật Thi hành án hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác Công an.
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong PBGDPL, tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về PBGDPL cho số đối tượng đặc thù thuộc quản lý của Công an tỉnh. Tổ chức nhiều đợt rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực chức năng công tác của đơn vị mình; cập nhật, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về lĩnh vực ANTT mới ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phục vụ công tác, đồng thời loại bỏ những văn bản QPPL đã hết hiệu lực thi hành.
Thứ ba, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, hàng năm, Công an tỉnh đều tiến hành kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL Công an tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Công an tỉnh về tư vấn, tham mưu giúp Giám đốc Công an tỉnh trong công tác PBGDPL và chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về PBGDPL, từ đó tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng và cơ quan thường trực Hội đồng trong tham mưu triển khai nhiệm vụ PBGDPL. Ngoài ra, Công an tỉnh có quyết định thành lập Tổ tuyên truyền do đồng chí Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc làm Tổ trưởng, 02 đồng chí Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc làm Tổ phó và 24 thành viên các Phòng nghiệp vụ, giúp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL của Công an tỉnh.
Thường xuyên rà soát, kiện toàn, đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã để nâng cao chất lượng, đủ về số lượng theo từng lĩnh vực, địa bàn, nhóm đối tượng, bảo đảm có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn, am hiểu pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL.
Thứ tư, về đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL.
Công an tỉnh thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức PBGDPL, cụ thể là:
- Về nội dung, tập trung vào: Tuyên truyền, phổ biến các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; nội dung của các văn bản QPPL mới ban hành hoặc mới có hiệu lực liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND và chủ trương, quan điểm, chính sách của các dự thảo văn bản pháp luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; nội dung chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cụ thể về một số lĩnh vực trọng tâm: bảo vệ an ninh quốc gia; xử lý vi phạm hành chính; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú, căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trật tự an toàn giao thông; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến về kết quả công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; chủ trương, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp;…
- Về hình thức: Thường xuyên áp dụng đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, từ đó xây dựng, nhân rộng các mô hình có hiệu quả để triển khai thực hiện. Ưu tiên thực hiện PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng như Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, Bộ Công an, truyền hình, tạp chí CAND... đẩy mạnh phối hợp PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh, truyền hình và Báo Bình Phước...; thường xuyên đổi mới phương pháp PBGDPL theo hướng áp dụng vào thực tế, phù hợp với người dân, chú trọng lồng ghép vào các hoạt động giao lưu kết nghĩa, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng và các phong trào vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật, bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương; tổ chức cuộc thi tìm hiểu; triển lãm ảnh tai nạn giao giao; chiếu phim tuyên truyền, phát tờ gấp, tờ rơi, treo pano, apphich…
Một số hình thức PBGDPL nổi bật, có hiệu quả của Công an tỉnh trong giai đoạn 2017-2021, như: Tổ chức cuộc thi “Kỹ năng tuyên truyền về ATGT” trong lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh với 100 thí sinh thu hút hơn 700 lượt CBCS tham gia theo dõi, cổ vũ; tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề “Công an với văn hóa giao thông” cho hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 05 đợt ra quân diễu hành hưởng ứng năm an toàn giao thông thu hút khoảng 700 quần chúng nhân dân tham gia; Công an tỉnh đã thiết kế và đặt may 222 áo thun có logo tuyên truyền “Đã uống rượu bia không lái xe” tặng cho các lái xe và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức thi đố vui về chủ đề an toàn giao thông với khoảng 500 quần chúng nhân dân tham gia (tại KCN Minh Hưng, Chơn thành); tổ chức, triển khai cho 100% đại diện nhà trường, phụ huynh và các em học sinh đang học tập tại các trường trung học ký cam kết không vi phạm Luật giao thông, tổ chức triển khai cho 60 doanh nghiệp, lái xe hoạt động vận tải hành khách cam kết thực hiện Luật giao thông; tổ chức 01 chiến dịch xuân tình nguyện 2018 ra quân tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ thu hút hơn 500 đoàn viên, thanh niên tham gia; đặc biệt, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 29 hộ gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn các huyện với tổng giá trị các phần quà là 72.500.000 đồng; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng 09 đoạn clip để in sao đĩa phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Tổ chức biên soạn nội dung, in sao và cấp 105 đĩa CD cho Công an các huyện, thị xã để phối hợp với đài phát thanh cấp xã, cấp huyện tổ chức tuyên truyền về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh tại các địa bàn và tại trụ sở tiếp công dân; tổ chức chiếu phim về an toàn giao thông và triển lãm tranh ảnh tuyên truyền về an toàn giao thông đến quần chúng nhân dân; tổ chức tặng 1500 phần quà và 20.000 khẩu trang y tế phòng chống dịch bệnh Covid cho quần chúng nhân dân kết hợp lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật…
Thứ năm, về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác PBGDPL.
Công an tỉnh thường xuyên viết những tin, bài để duy trì và phát triển chuyên mục thông tin PBGDPL trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Phước, đảm bảo thông tin nhanh chóng, kịp thời đến đông đảo bạn đọc, người xem, người nghe. Chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông trong hoạt động PBGDPL, xây dựng Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh hoạt động hiệu quả, khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, sử dụng tốt Hệ Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an và khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin pháp luật trên cổng thông tin điện tử PBGDPL do Bộ Tư pháp vận hành, quản lý.
Thông qua các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc do Công an cấp huyện và các phòng nghiệp vụ xây dựng, như mô hình “Tiếp nhận thông tin phản ánh của người lao động qua mạng xã hội” đã đăng tải nhiều tin, bài tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm… mang lại hiệu quả tuyên truyền cao trong thời điểm dịch bệnh Covic-19 đang diễn ra.
Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã thành lập và hoạt động 02 trang Facebook “Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Bình Phước” và “Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Phước” phục vụ công tác trao đổi, thảo luận về những điểm mới trong chính sách pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tuyên truyền, PBGDPL đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Thứ sáu, về công tác phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng.
Công an tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân; huy động hợp pháp các nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL, thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cá nhân kết hợp các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện với tuyên truyền, PBGDPL.
Điển hình như: Phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyền 01 lớp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ATGT tại xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài có 100 Hội viên nông dân tham dự; duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình tuyên truyền, phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn, trong năm đã thành lập được 03 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 150 thành viên tại 03 xã trọng điểm; 05 mô hình “Người cha trách nhiệm” với 250 thành viên. Phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức cuộc thi viết “Vì một mái ấm bình yên”, kết quả có trên 500 bài viết dự thi, qua cuộc thi đã nêu cao được nhiều tấm gương, câu lạc bộ điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các cấp, các ngành đa dạng hóa nhiều mô hình tự quản bảo vệ ANTT ở cơ sở kết hợp với công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là trong công tác phòng, chống tội phạm đã có nhiều mô hình tiêu biểu như: "Tổ an ninh tự quản về ANTT", "Tiếng kẻng an ninh”, “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Trường học an toàn về ANTT - CBGV, HS, SV đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội". Phối hợp với Công an các huyện, thị xã, Đài phát thanh truyền hình và Báo Bình Phước và Đài phát thanh các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành trong quần chúng nhân dân bằng hình thức lồng ghép trong các buổi họp dân ở cơ sở, kết quả triển khai được 111/111 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với tổng số người được tuyên truyền, phổ biến bằng hình thức này trên 16.453 lượt người…
Thứ bảy, về công tác rà soát, hệ thống hóa, cập nhật thông tin pháp luật và cấp phát tài liệu pháp luật
Công an tỉnh thường xuyên tiến hành công tác rà soát, hệ thống hóa, cập nhật thông tin pháp luật và cấp phát tài liệu pháp luật, các văn bản quy định pháp luật mới ban hành và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là số cán bộ, lãnh đạo, báo cáo viên pháp luật, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án hình sự và Công an cấp xã. Thường xuyên đăng tải những thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung tuyên truyền pháp luật trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh và phối hợp, liên kết với Đài Phát thanh, truyền thanh...để đăng tải các thông tin phục vụ công tác tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Công an tỉnh hiện có 01 tủ sách pháp luật, 01 phòng đọc thư viện có nhiều loại sách trong đó có sách pháp luật và 25 tủ sách pháp luật ở các phòng, trại và 11 tủ sách ở Công an các huyện, thị xã, thành phố, trong mỗi tủ sách có từ 50 đến 700 đầu sách, phục vụ cho công tác nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn công tác của CBCS. Trong giai đoạn 2017-2021, Công an tỉnh đã cấp phát trên 3.000 cuốn sách pháp luật đến các phòng, trại và công an các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ sưu tầm và bổ sung các đầu sách pháp luật vào tủ sách đơn vị mình.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2017-2021, Công an tỉnh luôn bám sát Kế hoạch, Chương trình PBGDPL đã đề ra. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn nhận thức được vị trí, vai trò của công tác PBGDPL nên thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác quan trọng này. Qua đó, cán bộ chiến sĩ ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về ý thức, trách nhiệm của bản thân trong công tác PBGDPL, từ đó đã chủ động nghiên cứu, cập nhật những kiến thức, những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để tuyên truyền đến người thân, gia đình và quần chúng nhân dân, kết hợp thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn với công tác tuyên truyền, PBGDPL. Đến năm 2019, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh trong đó có yêu cầu giãn cách xã hội, nghiêm cấm tập trung đông người.Vì vậy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đổi mới đa dạng các hình thức PBGDPL, đồng thời đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh, trên cơ sở đó các đơn vị đã áp dụng đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phổ biến của các đối tượng phổ biến.
Tuy nhiên, công tác PBGDPL vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Do đặc thù là tỉnh biên giới với chiều dài tuyến biên giới hơn 260 km, nhiều người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên công tác PBGDPL ở một số địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chất lượng công tác PBGDPL chưa cao. Về kinh phí thực hiện cho công tác tuyên truyền PBGDPL còn hạn chế, không có nhiều kinh phí phục vụ đầu tư đổi mới hình thức, phương thức tuyên tuyền, do đó hiệu quả tuyên truyền chưa được nâng cao. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PBGDPL chưa có sự đồng đều về khả năng vận động, tuyên truyền, hạn chế về kỹ năng để PBGDPL, công tác PBGDPL còn mang tính chất kiêm nhiệm, chưa được đầu tư rộng rãi, chức năng đơn vị chủ yếu tập trung nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, chưa bố trí nhiều thời gian cho công tác PBGDPL tại cơ sở. Công tác PBGDPL chủ yếu là lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn trong địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
Trên đây là kết quả thực hiện công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021 của Công an tỉnh. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ cố gắng khắc phục những tồn tại, khó khăn trên và sẽ luôn đổi mới về nội dung, hình thức PBGDPL, giúp cho công tác này mang lại hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Đức Hiếu