Admin
Hãy có trách nhiệm trong sử dụng Internet và mạng xã hội
Lượt xem: 4407
Ngày 19-11-1997, Việt Nam chính thức kết nối với xa lộ thông tin của thế giới, hòa vào mạng Internet toàn cầu. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất châu Á, đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng internet. Internet và mạng xã hội (MXH) đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Trong hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương ở Việt Nam ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức ứng dụng internet và MXH để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Điều này cũng được nêu cụ thể tại mục 3, Điều 4 của Luật An ninh mạng:“Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng”…Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dùng internet, MXH không thấy rõ sự gắn bó giữa quyền lợi với nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân khi tham gia vào không gian mạng. Tình trạng tin giả, lừa đảo, xuyên tạc, bịa đặt qua MXH bùng phát một phần do nhận thức hạn chế, thiếu kiến thức và kinh nghiệm cần thiết nên không ít người không biết thông tin mình tiếp cận là đúng hay sai, có cơ sở khoa học hay không, tác động, ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội như thế nào nên đã đăng tải, chia sẻ, bình luận một cách tùy tiện, vô trách nhiệm... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng xuất hiện “tràn lan” nhiều thông tin sai sự thật, tin giả, tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt đã phát hiện hàng chục nghìn bài viết, bình luận sai sự thật, trong “cơn bão tin giả” liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19; trên 700.000 bài biết, thông tin, video có nội dung xấu độc, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chống Đảng và Nhà nước, kêu gọi kích động biểu tình trên không gian mạng. Ngoài ra, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước với trên 500 vụ, thủ đoạn chủ yếu của chúng là giả danh lực lượng chức năng, yêu cầu người bị hại “thực thi pháp luật” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, từ năm 2019 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 56 trường hợp vi phạm. Trong đó, đã tham mưu xử lý hình sự 01 trường hợp, xử phạt hành chính đối với 18 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: lộ lọt bí mật nhà nước, đăng tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây mất đoàn kết nội bộ. 



Phòng An ninh chính trị nội bộ và Thanh tra, Sở Thông tin - Tuyền thông
làm việc với chủ một tài khoản Facebook đã đưa tin sai sự thật

Để đối phó với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình, nhất là khi tham gia MXH cần tỉnh táo trong tiếp cận thông tin để tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu. Mỗi chúng ta hãy trở thành những người “tiêu dùng thông thái” khi tham gia vào “phiên chợ thông tin” đầy nhộn nhịp này. Kiên quyết vạch trần và đấu tranh không khoan nhượng với những tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân.

ĐINH THỊ LOAN