Hội thảo quốc gia về: “Bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng”
Ngày 8-12, tại Hà Nội, Bộ Công an đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”. Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo được truyền trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trong cả nước.
Tại điểm cầu Bình Phước, Đại tá Bùi Xuân Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Giám đốc Công an tỉnh chủ trì dự hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - “Không gian mạng”. Không gian mạng mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật: Phạm Minh Tuấn cho rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần đây là vấn đề khá mới và đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đất nước. Hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện, làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; của các nhà khoa học ở viện nghiên cứu, học viện trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và nhiều trường đại học trong cả nước… Đã có 10 tham luận đượctrình bày trực tiếp tại hội thảo, các tham luận đã tập trung vào những nội dung chính như: Khẳng định chủ quyền và quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ để làm rõ hơn nội hàm, khái niệm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; mối quan hệ biện chứng chủ quyền quốc gia với vấn đề an toàn, an ninh mạng dựa vào nguy cơ gia tăng tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia trên không gian mạng; đánh giá những kinh nghiệm, bất cập và nguyên nhân, hạn chế…
Đại biểu dự hội hội thảo tại điểm cầu Công an tỉnh Bình Phước
Tại Bình Phước, trong thời gian qua, Công an tỉnh đã khởi tố, điều tra, xử lý 19 vụ với 38 bị can lợi dụng không gian mạng tuyên truyền, xuyên tạc và chống phá. Xác lập 2 chuyên án để đấu tranh bóc gỡ các cơ sở của các tổ chức phản động lưu vong, đã khởi tố, xét xử 4 bị can về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; phát hiện xử lý hơn 100 vụ, việc sử dụng Facebook cung cấp, chia sẻ video, hình ảnh, bài viết sai sự thật; phát hiện, khắc phục 15 vụ việc liên quan đến lỗ hổng bảo mật; phát hiện, xử lý 50 đối tượng có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo, xuyên tạc, xúc phạm; đã xử phạt vi phạm hành chính 22 đối tượng với số tiền 165 triệu đồng, nhắc nhở răn đe, yêu cầu xoá bài viết và cam kết không tái phạm 28 trường hợp.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh: Bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm đề nghị: Lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Trung Sinh