Kết quả 02 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT tại các khu công nghiệp (KCN) giữa Công an tỉnh Bình Phước và Liên đoàn lao động tỉnh
Tỉnh Bình Phước có 10/13 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 4.000ha, thu hút 250 dự án đầu tư thứ cấp với tổng số vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Các dự án hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ, luyện kim, may mặc, sản xuất các thiết bị điện tử, dày da, bao bì,… đã tạo việc làm cho gần 60.000 lao động trong nước và hàng ngàn lao động nước ngoài. Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) tại các khu công nghiệp có những diễn biến phức tạp, tình trạng tội phạm trong các KCN vẫn còn xảy ra đã tác động ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đặc biệt là các vụ ngưng việc tập thể trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tác động đến tình hình ANTT và môi trường đầu tư của tỉnh.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bình Phước xác định công tác đảm bảo ANTT tại các doanh nghiệp trong các KCN là hết sức quan trọng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Ngày 16/8/2018, Công an tỉnh và Liên đoàn lao động tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BDV-LĐLĐ-SLĐTBXH-CA về “Phối hợp thực hiện một số giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự ATXH trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công trên địa bàn tỉnh”. Để tổ chức thực hiện, lãnh đạo hai đơn vị đã quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung Quy chế đến cán bộ, nhân viên hai ngành để mọi người hiểu và cùng thực hiện.
Trải qua hai năm thực hiện, các đơn vị luôn bám sát Chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện đảm bảo ANTT trong các KCN; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện. Triển khai hiệu quả Kế hoạch phối hợp về thực hiện một số giải pháp đảm bảo an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong các vụ ngừng việc tập thể và đình công trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường quán triệt thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo ANTT trong các KCN, KKT, CCN” của UBND tỉnh Bình Phước; Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 25/5/2019 của UBND tỉnh Bình Phước về việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo ANTT với khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; Kế hoạch 05/KH-TLĐ của Tổng Liên đoàn về “thực hiện một số giải pháp để đảm bảo ANCT, TTATXH trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công” và Kế hoạch số 125/KH-CAT-PA04, ngày 22/7/2019 của Công an tỉnh Bình Phước về đảm bảo ANTT đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai đơn vị đã phối hợp xử lý ổn định 04 vụ ngưng việc tập thể, 02 vụ có nguy cơ xảy ra ngưng việc tập thể, qua đó góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đồng thời, phối hợp tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn các buổi lễ có đông đảo công nhân tham gia như: Ngày hội công nhân lao động, các hoạt động hưởng ứng tháng công nhân, các buổi giao lưu, tặng quà; chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về tết,... đã góp phần lan tỏa sự đồng hành, sẻ chia của chính quyền tỉnh Bình Phước với người lao động trong các KCN, giúp họ an tâm lao động sản xuất, gắn bó với địa phương.
Ngoài ra, hai đơn vị còn phối hợp tổ chức được 08 buổi tuyên truyền tại các doanh nghiệp FDI trong các KCN với trên 12.000 lượt công nhân tham gia. Nội dung tuyên truyền phổ về chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động như: Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, quy định về tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, “tín dụng đen”… Kịp thời nắm bắt dư luận của đoàn viên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, phối hợp xử lý các tình huống xảy ra gây mất ANTT khi Quốc hội thảo luận và thông qua Bộ luật Lao động, ngày 20/11/2019. Vận động người lao động gia nhập và thành lập Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện một số mô hình ANTT trong KCN; thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở và giải quyết tranh chấp lao động. Đến nay, đã thành lập 42 Tổ công nhân tự quản tại các khu nhà trọ trên địa bàn thành phố Đồng Xoài và huyện Chơn Thành với hơn 430 phòng trọ và 2.000 công nhân lao động đang tham gia; thành lập và hoạt động của 16 trang thông tin điện tử và 12 trang Fanpage của công đoàn các cấp trên mạng xã hội. Tổ chức hướng dẫn Công đoàn các cấp tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch; phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, hai ngành tăng cường công tác nắm tình hình dư luận công nhân, tổ chức tuyên truyền đến các doanh nghiệp để họ chủ động phòng, chống dịch bệnh, cấp phát hàng chục ngàn khẩu trang miễn phí cho người lao động, giúp công nhân an tâm lao động sản xuất tại địa bàn, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước.
Nhìn chung thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai ngành được duy trì hiệu quả, góp phần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ việc phức tạp xảy ra trong các KCN, không để hình thành các “điểm nóng” gây phức tạp về ANTT. Công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh công nhân được các đơn vị chú trọng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp đảm bảo ANTT trong các doanh nghiệp còn một số khó khăn, hạn chế như: tình hình liên quan đến “tín dụng đen”, hiện tượng tranh chấp cung cấp hàng hóa, thực phẩm tại một số doanh nghiệp vẫn còn và chưa được tham mưu giải quyết dứt điểm. Nhận thức pháp luật của người lao động còn hạn chế, dễ bị các đối tượng kích động, lợi dụng vào mục đích xấu,... làm cho hiệu quả công tác phối hợp còn hạn chế, cần phải được khắc phục. Trong thời gian tới, tình hình an ninh trong công nhân vẫn sẽ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường nhất là trước diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, việc duy trì và tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo ANTT tại các KCN là cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên bằng các kế hoạch cụ thể, trước hết cần phối hợp thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
Một là: Thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội gắn với quyền, lợi ích chính đáng của người lao động trong các doanh nghiệp. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 25/5/2019 của UBND tỉnh Bình Phước về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo ANTT với khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Hai là: Tổ chức nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ việc về tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trong KCN, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động gây phức tạp về ANTT, góp phần đảm bảo môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào trong KCN, nhất là trong thời điểm dịch bệnh còn đang diễn biến khó lường; kết hợp tuyên truyền với công tác xã hội từ thiện, quan tâm đời sống vật chất cho người lao động, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp, tận dụng nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với xã hội hóa nguồn kinh phí thực hiện phong trào nhằm huy động cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” tại địa bàn các KCN. Kịp thời sơ, tổng kết Quy chế để nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp góp phần phát triển ổn định, bền vững tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn.
TRẦN THỊ MINH THIỂN - PHÒNG ANKT