Khó khăn, vướng mắc và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Sáng ngày 27/10/2022, Tổ công tác Đề án số 06 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 09 tháng đầu năm 2022 triển khai thực hiện Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
(Đ/c Nguyễn Huy Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị)
Tại Hội nghị, đồng chí Đại tá Nguyễn Huy Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh đã đại diện cho Lãnh đạo Công an tỉnh với vai trò là đơn vị thường trực đã phát biểu tham luận với chủ đề: Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tham luận nêu rõ:
Thực hiện kiến chỉ đạo của đ/c Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị giao ban Đề án 06 tháng 5/2022, Công an tỉnh đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện, đạt hiệu quả nhiều phần việc thuộc Đề án 06/CP, nhất là trong việc hợp nhất các Tổ triển khai Đề án 06 và Tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp xã, cấp thôn; đã tham mưu ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị của tình cùng tham gia thực hiện Đề án tại địa phương; triển khai thực hiện hiệu quả đợt cao điểm 92 ngày đêm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy manh chính quyền số…Qua 09 tháng thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc có trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp, đến thời điểm hiện tại những nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 tại địa phương được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo lộ trình theo quy định; thực hiện dịch vụ công trực tuyến (tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tăng từ 27,2% lên 99,52%), tỉ lệ kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 trên địa bàn đạt 12,7%, tăng 05% so với tháng 5/2022; việc tuyên truyền, quán triệt cán bộ công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số (VNEID, Bình phước today) được thực hiện quyết liệt, hiệu quả…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tham mưu, theo dõi, đôn đốc, triển khai các nhiệm vụ của Đề án, còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, tiến độ hoàn thành 43 nội dung công việc theo Kế hoạch 51 của UBND tỉnh: Theo thống kê, đến nay đã hoàn thành 8/43 nội dung, còn lại 10/43 nội dung đang thực hiện, 25/43 nội dung chưa thực hiện, trong đó năm 2022 còn (10 nội dung thực hiện thường xuyên, 17 nội dung chưa thực hiện), đa số là các nhiệm vụ chia sẻ kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực như: Đất đai, hộ tịch, tài chính, thuế, an sinh xã hội, tòa án…; Với tiến độ trên vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu, nguyên nhân do đây là các nhiệm vụ mới nên việc triển khai của một số thành viên còn lúng túng, một số thành viên chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được phân công tại Quy chế, Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; một số sở, ban, ngành và địa phương chưa phát huy vai trò người đứng đầu, chưa thực sự chủ động, quan tâm chỉ đạo quyết liệt...
Do đó, Công an tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương: (1) nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát nội dung Kế hoạch số 51 và kế hoạch số 175 của UBND tỉnh, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các đơn vị có liên quan hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; (2) thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, gửi về Công an tỉnh để tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, vì trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện của các sở ngành, địa phương thì CAT mới có cơ sở nghiên cứu, tham mưu đ/c Chủ tịch UBND tỉnh có nhưng chỉ đạo sát thực tiễn.
Thứ hai, đối với công tác phối hợp của các sở, ban, ngành và địa phương: Mặc dù UBND tỉnh đã phân công cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ và thời gian thực hiện trong các văn bản chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an là nòng cốt. Tuy nhiên, một số đơn vị còn xem đây là nhiệm vụ của lực lượng Công an nên chưa chủ động, khi có yêu cầu, chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh mới phối hợp thực hiện, dẫn đến một số nhiệm vụ chậm tiến độ như: việc triển khai 25 DVC thiết yếu đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa rà soát, tích hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ chung; ngành Y tế còn chậm trễ trong việc việc rà soát, làm sạch dữ liệu tiêm chủng…
Công an tỉnh đề nghị các sở, ngành và địa phương thực hiện rà soát, thống kê các nhiệm vụ chưa hoàn thành (đã được thống kê chi tiết trong phụ lục của báo cáo trung tâm), đánh giá những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để đề ra các giải pháp và lộ trình thực hiện trong những tháng cuối năm 2022. Tập trung cho nhiệm vụ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và kết nối chia sẻ. Trong tháng 11/2022, Công an tỉnh sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn, đề cương báo cáo Đề án 06 đối với từng ngành để phục vụ cho công tác tổng hợp, báo cáo, đảm bảo đánh giá rõ, cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ngành, địa phương trong thực hiện Đề án 06, từ đó làm căn cứ biểu dương những đơn vị làm tốt, phê bình, chấn chỉnh đối với các đơn vị làm không tốt hoặc không có chuyển biến.
Thứ ba, đối với dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành và địa phương chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch” theo quy định, khó khăn cho việc triển khai kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phải mất nhiều thời gian rà soát, làm sạch như: Dữ liệu tiêm chủng do lực lượng y tế cơ sở thu thập tỷ lệ sai sót rất lớn do lỗi chủ quan của cán bộ thực hiện (hiện còn trên 200 ngàn dữ liệu nguy cơ không thể được làm sạch); dữ liệu hội, đoàn chưa được số hóa kịp thời để quản lý; dữ liệu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chưa đảm bảo chính xác…
Công an tỉnh đề nghị các sở, ngành và địa phương rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; phối hợp với Công an tỉnh, Sở thông tin và truyền thông khắc phục sơ hở thiếu sót đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm giàu dữ liệu, phục vụ khai thác, sử dụng và hoạch định chính sách để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Thứ tư, về kinh phí thực hiện: Việc bố trí kinh phí còn khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về nguồn chi, danh mục chi, trang thiết bị phục vụ Đề án. Căn cứ Công văn số 1349 ngày 08/6/2022 của Sở Tài chính, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Công an tỉnh để nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí một phần kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án 06 tại địa phương, nhất là trang bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ Đề án. Trước mắt phân bổ kinh phí cho lực lượng Công an để: (1) trang bị các thiết bị dự phòng thay thế trong trường hợp gặp sự cố, hư hỏng, bảo hành, sửa chữa; (2) trang bị máy tính cho lực lượng Công an cấp xã để thực hiện công tác làm sạch dữ liệu… ngoài ra, cần trang bị máy tính kết nối Internet cho Bộ phận 01 cửa cấp xã để tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký, sử dụng dịch vụ công….
Trên cơ sở những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc như trên, để triển khai có hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới, Công an tỉnh đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể sau:
Một là, đề nghị các sở ngành, UBND các cấp tích cực phối hợp, tham gia cùng với lực lượng Công an triển khai hiệu quả đợt cao điểm “90 ngày, đêm” thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, cấp CCCD và thực hiện Đề án 06 (theo Công văn chỉ đạo số 3122 ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh).
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền về Đề án 06/CP đến nhân dân trên địa bàn với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt hiệu quả (theo Công văn chỉ đạo số 2500 ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh).
Ba là, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Đề án 06/CP.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nguồn lực tham gia vào dự án, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện 10 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và 17 nhiệm vụ chưa thực hiện của năm 2022; hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu; công tác cấp CCCD, định danh và xác thực điện tử để đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Sáu là, Công an tỉnh nghiên cứu tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị triển khai Nghị quyết số 13 ngày 30/9/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh.