Những thành tựu bước đầu, đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về căn cước công dân và định danh điện tử
Trong quá trình triển 2 dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD), cũng như việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, kích hoạt định danh điện tử tại nước ta, đem lại nhiều tiện ích. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch. Những luận điệu này nhằm tạo ra sự hoang mang và tranh cãi về quyền riêng tư và tự do cá nhân. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện các đề án này đến nay, đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân.
Tuổi trẻ Công an tỉnh Bình Phước làm thêm giờ vào ngày nghỉ, phục vụ cấp căn cước công dân cho người dân trên địa bàn huyện Đồng Phú
Chiêu bài tung hoả mù, xuyên tạc của các thế lực thù địch
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư và đảm bảo cuộc sống cho người dân. Đặc biệt, 2 dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD), cũng như việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, định danh điện tử chính là chủ trương lớn nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng.
Tuy nhiên, trên một số diễn đàn mạng xã hội, các thế lực thù địch tung ra những thông tin gây nhiễu loạn, bịa đặt, xuyên tạc chủ trương này nhằm hướng lái, “bẻ cong” vấn đề đảm bảo an ninh con người mà Đảng, Nhà nước ta đang tập trung thực hiện. Bằng những luận điệu không có căn cứ thực tiễn, các thế lức thù địch và số đối tượng có tư tưởng cực đoan, chống đối đã cố tình tung ra những thông tin sai sự thật, như “đi đâu cũng bị định vị”, “thẻ căn cước gắn chíp", "định danh điện tử" là để theo dõi người dân, “Chính phủ, Bộ Công an thu thập dữ liệu cá nhân”… từ đó chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị.
Một luận điệu xuyên tạc thường xuất hiện là việc lợi dụng quyền riêng tư và tự do cá nhân để chỉ trích CCCD và định danh điện tử. Tuy nhiên, CCCD và định danh điện tử không cản trở hoặc vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Chúng được thiết kế với mục tiêu xác thực danh tính và cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn, không phải để kiểm soát hay xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Luận điệu xuyên tạc khác là cho rằng CCCD và định danh điện tử làm lộ thông tin cá nhân và gây nguy hiểm cho quyền riêng tư. Tuy nhiên, hệ thống CCCD và định danh điện tử được thiết kế với các biện pháp bảo mật cao để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Các quy định pháp lý và quy trình kỹ thuật đã được thiết lập để đảm bảo sự bảo mật và ngăn chặn việc lạm dụng thông tin cá nhân.
Rõ ràng, những thông tin “tung hỏa mù” này đều nhằm chĩa mũi nhọn công kích vào vấn đề an ninh con người đã được Đảng ta nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trên thực tế, với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, thẻ CCCD gắn chíp điện tử của Việt Nam ra đời cùng với việc định danh điện tử không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao. Đồng thời, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí việc công chứng nhiều loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử.
Hơn nữa, mức độ an toàn, bảo mật của chíp rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chíp nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ là không thể thay đổi, hạn chế tối đa giả mạo. Mặt khác, chíp điện tử được sử dụng gắn trên thẻ CCCD không có khả năng định vị, thông tin lưu trữ trên chíp cần phải có công cụ chuyên dụng để đọc và thông tin được mã hóa.
Hay sau khi kích hoạt định danh điện tử VNeID mức độ 2 thành công sẽ mang lại nhiều tiện ích trên ứng dụng VNeID như: giải quyết dịch vụ công trực tuyến (Thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết); các tính năng nổi bật: Ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm… giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID (như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…).
Những thành tựu bước đầu, đập tan luận điệu xuyên tạc
Kể từ khi triển khai đến nay, với tinh thần khẩn trương, cấp bách, lực lượng Công an cả nước đã ngày, đêm phấn đấu đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Lực lượng Công an không quản ngại khó khăn, gian khổ, cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sâu sát, quyết liệt, an toàn, hiệu quả và sự đồng thuận, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân đã góp phần tạo nên sự thành công của hai Dự án và đề án 06 của Chính Phủ.
CBCS phòng Công tác đảng và công tác chính trị Công an Bình Phước xuống địa bàn thực hiện cao điểm cài đặt kích hoạt định danh điện tử cho người dân
Tính đến tháng 7 năm 2023, các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, Căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 82,8 triệu thẻ CCCD gắn chíp. Công an 63/63 địa phương đã nỗ lực hoàn thành cấp 100% CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Thu nhận và phê duyệt 52,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt 31,7 triệu tài khoản (chiếm 59,9% tổng tài khoản phê duyệt).
Về phát triển các tiện ích trên VNeID: đã có 574.406 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 83.006 công dân qua VNeID; có 3.309 tin phản ánh về an ninh, trật tự từ 2.392 công dân. Giúp Công dân tự khai báo thông tin lưu trú, khai báo về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn mà không cần đến cơ quan Công an để khai báo, đảm bảo nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh kết nối chia sẻ ngoại ngành, nội ngành tiếp tục phục vụ tốt công tác phòng, chống tội phạm, điển hình như: Phát hiện 312 đối tượng truy nã; trong đó có 52 trường hợp phát hiện, bắt giữ qua công tác cấp CCCD; 24 trường hợp phát hiện, bắt giữ qua công tác làm sạch dữ liệu; 23 trường hợp phát hiện bắt giữ qua công tác đăng ký, quản lý cư trú..
Và thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử nhiều câu chuyên nhân văn được viết nên như "cổ tích giữ đời thường", đó là những người thân đã tìm được nhau sau nhiều năm thất lạc...
Có thể khẳng định, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD), cũng như việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, kích hoạt định danh điện tử là chủ trương đúng đắn mà Đảng và Nhà nước ta triển khai thực hiện. Cùng với sự đồng thuận cao của Nhân dân, lực lượng Công an nhân dân bằng trách nhiệm và danh dự của mình đã và đang phối hợp tốt với các bộ, ngành ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống bình yên, an toàn, hạnh phúc cho người dân.