Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tình cảm của Người có sức động viên to lớn đối với đồng bào. Thân thiết, gần gũi với dân, một lòng tin yêu dân là nét đặc trưng nổi bật, nhất quán trong phong cách Hồ Chí Minh. Những chỉ dẫn ân cần, sâu sắc của Người về Đoàn kết - Yêu nước, về Độc lập - Tự do cho đến nay và mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị. Người luôn ý thức “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của Nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” - (Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 5 tr501-502, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000). Hoặc “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là thiên thời, địa lợi và nhân hòa… Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa… Nhân hòa là quan trọng hơn hết” - (Trích trong bài: Để có “Nhân hòa” đăng trên báo điện tử CAND ngày 16/06/2006).
Bình Phước là địa phương có đông đồng bào DTTS (195.635 người, chiếm 19,6% dân số toàn tỉnh với 40 thành phần DTTS, 367 người có uy tín và 94 già làng tiêu biểu xuất sắc), thấm nhuần tư tưởng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, cán bộ chiến sỹ Phòng An ninh đối nội đã vận dụng phương pháp, hình thức tuyên truyền vận động quần chúng nói chung, trong đó tập trung nêu cao vai trò người có uy tín vùng dân tộc thiểu số nói riêng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, huy động được quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua vận động cá biệt (già làng, trưởng bản, người có uy tín) là người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của mọi người trong cộng đồng cùng với kinh nghiệm thực tế, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời, thấu tình, đạt lý nhiều vụ việc trong cộng đồng như: mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn ngoài xã hội; các vụ khiếu kiện đất đai trái pháp luật, hoạt động tôn giáo trái pháp luật... không để xảy ra “điểm nóng” góp phần giữ bình yên cho thôn, ấp.
Cán bộ Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Bình Phước vận động cá biệt
vợ chồng già làng Điểu Trích, tại ấp 4, xã An Khương, huyện Hớn Quản
Đặc biệt, thời gian qua, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh đã vận động, tranh thủ người có uy tín trên địa bàn tham gia vào các hoạt động như: cảm hóa, giáo dục các đối tượng FULRO cũ đang sinh sống tại cộng đồng; vận động, tuyên truyền quần chúng giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến dân tộc, tôn giáo; xóa bỏ tà đạo; giải quyết tranh chấp, khiếu kiện; vận động quần chúng chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm; tuyên truyền Phòng chống dịch Covid-19, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đảm bảo ANTT Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Để mang lại hiệu quả cao trong công tác vận động quần chúng, Phòng An ninh đối nội đã lồng ghép hoạt động từ thiện xã hội với tuyên truyền, vận động đồng bào, nêu cao tinh thần cảnh giác, chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không tin, không làm theo lời xúi giục, lôi kéo, móc nối của các loại tội phạm, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, góp phần lớn cho Lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Vận động bà con người dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới; luôn chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán bản sắc tốt đẹp của dân tộc; bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; những hành vi lệch lạc thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Đại tá Dương Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo Phòng An ninh đối nội
tham dự tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng
cho người có uy tín trong đồng bào DTTS tại huyện Bù Đăng
Từ những kết quả đạt được trong quá trình tiến hành công tác vận động, phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Phòng An ninh đối nội rút ra một số kinh nghiệm sau:
1. Công tác vận động phải được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất và toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể xã hội trong đó lực lượng Công an, Dân tộc, Dân vận, Mặt trận làm nòng cốt. Ngoài ra, phải thống nhất về mặt nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, khắc phục những sai lệch nhận thức trong công tác này.
2. Phải nắm chắc tình hình, xác định đúng, phân loại rõ, cụ thể phạm vi uy tín, ảnh hưởng và tác dụng từng người có uy tín để thực hiện công tác vận động. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đó là tư tưởng: Thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Xây dựng nhiều hình thức vận động, tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu và trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, để họ có đủ khả năng, trình độ thực hiện nhiệm vụ, đồng thời bố trí cán bộ làm công tác dân tộc phải ổn định địa bàn, tạo điều kiện để triển khai công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Hồ Thanh Sơn