Admin
Phòng chống xâm hại trẻ em - Những nguyên nhân và giải pháp
Lượt xem: 11809
Thời gian gần đây, nhiều vụ xâm hại trẻ em được các phương tiện truyền thông đưa tin, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khiến nhiều người dân hoang mang, đau xót, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có thể kể đến một số vụ điển hình như: Vụ Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó viện trưởng VKSND có hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy; Nguyễn Khắc Thủy, 77 tuổi ở TP Vũng Tàu dâm ô với trẻ em; Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô nhiều học sinh nam … và nhiều vụ việc tương tự lần lượt bị phát hiện. 

Theo thống kê của Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an cho thấy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên toàn quốc đã phát hiện khoảng hơn 1.373 vụ xâm hại tình dục trẻ em; 465 vụ án giao cấu với trẻ em.
 


Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm
thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ: cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em… Mặc dù vậy, hiện nay, tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. 

Qua thống kê, có thể thấy một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xâm hại trẻ em như sau:

Thứ nhất, do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.

Thứ hai, do sự phân hóa giàu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống, những rạn vỡ trong gia đình và sự sói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Trẻ em bị xâm hại thường xảy ra nhiều ở phường có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực có đông người lao động nghèo và địa bàn vắng.

Thứ ba
, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình... dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt.

Thứ tư, do tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet... cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.

Thứ năm, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Từ những nguyên nhân nêu trên thì chúng ta cần phải nhìn nhận rằng bảo vệ an toàn cho trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội; an toàn trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách được đặt ra và cần sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết thông qua một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
 


Một buổi tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em tại trường tiểu học. 

Thứ hai, chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. 

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Vì trẻ em hiện nay dậy thì sớm và yêu sớm. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Thứ tư, đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu với học sinh… 

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là mầm xanh cần được bảo vệ, bồi dưỡng. Một tác động tiêu cực dù là nhỏ nhất cũng có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Vì vậy vấn đề an toàn cho trẻ em, nhất là nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn trên môi trường mạng cần phải được xem là trọng tâm cần tập trung để kiềm giảm tội phạm xâm hại trẻ em. 

V.TH - NGUYỄN TẤN ĐẠT