Với quyết tâm giữ ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông, kéo giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch 299/KH-BCA, tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Sau ba tháng ra quân, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm so với thời gian liền kề.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo kế hoạch số 299/KH-BCA của Bộ Công an diễn ra trong thời gian 3 tháng (từ 20/6-20/9) với mục tiêu là huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông; tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông; kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông. Thượng tá Lê Đức Trình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Thực hiện cao điểm, từ phòng Cảnh sát giao thông đến đội Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thị, thành phố tổ chức rất quyết liệt và làm từ gốc rễ vấn đề, cụ thể là tổ chức nắm tình hình các cơ sở kinh doanh vận tải, các bến bãi, hầm mỏ, các nhà hàng, quán ăn có sử dụng rượu bia. Sau đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền và quyết liệt xử lý các nhóm vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ, vi phạm về quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe.
Trong quá trình xử lý, lực lượng Cảnh sát giao thông đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các chủ doanh nghiệp tự giác tháo dỡ thùng xe tải cơi nới, theo đúng hồ sơ giấy tờ đăng kiểm theo quy định của pháp luật. Tổ chức cho 180 doanh nghiệp vận tải ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông và 53 cơ sở sửa chữa xe ô tô, trong đó có 17 xưởng cơ khí cam kết không tham gia cơi nới thành thùng xe cho các chủ phương tiện; 112 chủ bến bãi trong đó có 59 chủ hầm mỏ khai thác đất, đá cam kết không chở hàng quá tải và không xếp hàng quá tải lên các phương tiện giao thông. CSGT cũng đã tuyên truyền đến 1830 nhà hàng, quán karaoke và các địa điểm liên hoan có sử dụng rượu, bia cam kết hướng dẫn khách hàng không lái xe sau khi sử dụng rượu bia và tổ chức việc đưa, đón khách hàng của mình về nơi ở đảm bảo an toàn.
Quyết liệt trong xử lý
Bình Phước là địa bàn có tuyến giao thông huyết mạch nối liền Tây Nguyên và vùng kinh tế phát triển Đông Nam bộ, hằng ngày lưu lượng phương tiện qua địa bàn là rất lớn. Chính điều này đã tiềm ẩn các nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông. Để chủ động trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tham mưu nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa tai nạn xảy ra. Thượng tá Lê Đức Trình cho biết thêm: Sau khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi bố trí lực lượng, phương tiện để tiến hành xử lý những lỗi vi phạm. Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu Giám đốc, huy động lực lượng Cảnh sát giao thông các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành 6 tổ đặc biệt, để tiến hành xử lý chéo địa bàn, giữa các tuyến với nhau. Trong xử lý chúng tôi thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Đại úy Nguyễn Anh Khang, Phó Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Đồng Phú, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc, lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông, tất cả cán bộ chiến sỹ phòng Cảnh sát giao thông luôn nêu cao tinh thần, vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong đó tập trung trước tiên là tuyên truyền đối với người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, thứ hai là kiên quyết xử lý những nhóm hành vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Với sự nỗ lực và những cách làm tích cực, qua 3 tháng quyết liệt thực hiện cao điểm, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo an toàn; so với thời gian liền kề số vụ và số người chết do TNGT được kéo giảm (giảm 5 vụ, giảm 3 người chết và 4 người bị thương); ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân từng bước nâng lên. Đây là tín hiệu tích cực đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh nhà. Thượng tá Lê Đức Trình khẳng định thêm: Sau khi kết thúc kế hoạch 299/KH-BCA này, lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn tiếp tục duy trì, xử lý vi phạm, không để cho các hành vi vi phạm như quá tải, quá khổ bùng phát. Các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn tiếp tục xử lý bị xử lý quyết liệt.
Đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm của toàn xã hội, do đó bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông đảm bảo bình yên cho các cung đường, thì đòi hỏi mỗi người dân khi tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm các quy tắc giao thông để tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Đây mới là yếu tố quan trọng góp phần giữ vững ổn định trật tự ATGT. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông, bởi an toàn giao thông chính là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông