67 năm trước, Bác Hồ đã nêu cao tinh thần dân vận và Người khẳng định rằng: “Dân vận không phải là việc của riêng một hai người, một hai ban, ngành, đó phải là công việc của cả hệ thống chính trị”, của “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức đều phải phụ trách dân vận”. Và thực tế cho thấy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các huyện, thị, đảng ủy
và các lực lượng vũ trang ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 - Ảnh: Sỹ Hòa
Trong 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 1238-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, Chương trình hành động số 31 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới... Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Cụ thể, Tỉnh ủy đã tổ chức 3 lớp tập huấn công tác dân vận cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức được 7 lớp; cử nhiều cán bộ lãnh đạo ban, trưởng, phó phòng ban dân vận các cấp tham gia tập huấn dân vận. Định kỳ, Tỉnh ủy và cấp ủy trực thuộc đã tổ chức đánh giá tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, từ đó tháo gỡ kịp thời vướng mắc và đề ra giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Hệ thống ban dân vận đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy cùng cấp những chủ trương, giải pháp về công tác dân vận; xử lý các vụ việc phức tạp trên địa bàn tỉnh như giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa thực hiện công trình quốc lộ 13, Dự án Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư... Hằng năm, ban dân vận các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và lực lượng vũ trang tỉnh. HĐND các cấp lấy ý kiến của MTTQ, các thành viên và nhân dân về các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định. UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã tổ chức thực hiện quy chế công tác dân vận.
Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và ban dân vận các cấp nên UBND các cấp có nhiều giải pháp, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nhắc nhở và có biện pháp xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân khi đến giải quyết công việc. Duy trì lịch tiếp công dân, kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát theo chức năng. Hiện nay, 100% huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đều phân công chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND phụ trách công tác dân vận chính quyền.
Các sở, ban, ngành thực hiện công khai dân chủ trong quản lý, điều hành. Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và đã tăng cường sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. Các đơn vị lực lượng vũ trang nắm chắc địa bàn, bảo vệ vững chắc biên giới, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân không để các thế lực thù địch có cơ hội lôi kéo, kích động tổ chức các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”. Tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công, gia đình khó khăn, hộ nghèo, neo đơn, già làng, chức sắc tôn giáo; tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, biên giới.
Trong những năm qua, hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên tập trung hướng về cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và phản ánh, kiến nghị lên cấp ủy, chính quyền xử lý kịp thời. Vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hằng năm, các khu dân cư đều có trên 90% gia đình văn hóa; số lượng khu dân cư không có tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, khu dân cư đạt chuẩn văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Vận động “Ngày vì người nghèo” lập quỹ từ năm 2009 đến nay được gần 25,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và bàn giao 2.532 căn nhà tình thương, đại đoàn kết, xóa nhà tranh tre; dột nát trên toàn tỉnh được 14/111 xã, phường, thị trấn và 1/10 huyện, thị xã, đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
Những kết quả đạt được trong công tác dân vận hệ thống chính trị đã góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015. Đó là ổn định chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng niềm tin và mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền nhất là cấp cơ sở và người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị nhận thức về công tác dân vận chưa rõ, chưa nhất quán, xem đó là nhiệm vụ của ngành dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cải cách hành chính, giải quyết đơn, thư khiếu nại, những vấn đề kiến nghị của dân có nơi còn chậm. Vẫn còn một số cán bộ, công chức quan liêu, nhũng nhiễu khi giải quyết, tiếp xúc với dân. Một số chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội triển khai chậm trễ, công trình thi công kéo dài, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chậm đổi mới về nội dung, phương thức vận động nên triển khai một số phong trào thi đua, hoạt động giám sát đạt hiệu quả không cao; công tác nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân chưa theo kịp trước những diễn biến trong nhân dân.
Từ những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong 5 năm thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, có thể rút ra bài học kinh nghiệm sau: Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo được sự đồng thuận cao, đi vào đời sống xã hội khi cấp ủy, chính quyền cùng quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1238 của Tỉnh ủy; chọn nội dung vận động nhân dân phù hợp, ý kiến nhân dân được lắng nghe, các chính sách đều hướng về chăm lo cho dân.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, hướng dẫn về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tham mưu cấp ủy đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 290 và Quyết định số 1238.
Đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Đề cao đạo đức công vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức.
Không ngừng đổi mới phương thức, hình thức dân vận phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, của tỉnh. Công tác dân vận luôn gắn chặt với xây dựng đảng, không tách rời việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác. Biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; nghiêm khắc phê bình những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm pháp luật để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Nguồn: Bình Phước Online