Có đường nhưng không lối ra, chuyện tưởng đùa nhưng có thật 100% ở ấp Phố Lố, xã An Phú (Hớn Quản).
BÍT ĐƯỜNG ĐI
Ông Hồ Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Phú, Chủ tịch Hội Cựu chiến
binh huyện Hớn Quản cho biết: Tất cả các đường xương cá của xã đều thông
ra đường chính, chỉ duy nhất tuyến đường giáp ranh tổ 3 và 6 (ấp Phố
Lố) bị chắn bởi nhà ông Dương Minh Châu. Con đường này có từ những năm
1980-1982, rộng chừng 6-7m. Đầu đường có một hộ đến dựng chòi mua gỗ,
không ai nhớ là chòi của ai. Năm 1999, UBND huyện Bình Long cũ cấp
GCNQSDĐ cho hộ bà Phan Thị Nhạn với diện tích 3.582m2 gồm 2 thửa. Trong
đó, thửa đầu đường có diện tích 39m2. Sau nhiều lần sang nhượng. Đến
nay, hộ ông Dương Minh Châu là chủ sở hữu thửa đầu đường. Tuy nhiên, căn
nhà không phải là 39m2 mà lớn gần gấp 3 lần so diện tích được ghi. Móng
nhà lấn sát miệng cống khiến 7 hộ dân trong tổ phải đi nhờ qua đất bà
Lưu Thị Kim Loan ở tổ 2 nhưng cuối tháng 7-2014, hộ bà Loan rào vườn thì
7 hộ dân hết lối đi.
NỖI KHỔ CỦA NGƯỜI DÂN
Đầu năm 2013, bà Loan nâng cấp mặt bằng thửa đất giáp ranh với đường
mương. 7 hộ dân tổ 3 và 6 phải đi trên mép vườn với một bên là mương
nước sâu rất nguy hiểm. Tháng 4-2013, các hộ dân kiến nghị và Phòng Tài
nguyên và Môi trường huyện Hớn Quản đo lại hiện trạng sử dụng đất, họp
dân lấy ý kiến giải quyết. Các hộ dân nêu ra 2 phương án: Hoặc thu hồi
đất của hộ ông Châu làm con đường thẳng thông ra đường chính hoặc đặt
cống ở mương thoát nước làm đường đi cho dân.
Sau nhiều lần vận động giải tỏa đối với hộ ông Châu không thành, UBND
xã An Phú kiến nghị và được UBND huyện đồng ý đặt cống làm đường đi cho
dân. UBND huyện hỗ trợ 34 triệu đồng từ vốn sự nghiệp giao thông, phần
còn lại UBND xã tự cân đối và vận động nhân dân. Tháng 9-2014, đoạn
đường cống dài 16m hoàn thành. Nhưng do vướng nhà ông Châu nên con đường
bị bẻ tạo thành khúc cua gấp. Hơn nữa, hai đầu cống bị đặt so le nhau,
trong khi phía trên hố ga đổ bê tông kín, phủ đất sỏi đỏ. Với cách đặt
cống “không giống ai” này làm người dân lo lắng, bởi nguy cơ tắc nghẽn
cống gây ngập úng rất cao. Không chỉ vậy, cống nước xối thẳng vào tường
rào nhà bà Loan gây sạt lở. Bà đã nhiều lần kiến nghị UBND xã An Phú xem
xét nhưng chưa được giải quyết.
Bà Phạm Thị Gái (75 tuổi) cho biết: Gia đình làm nghề nuôi ong lấy
mật nên xe tải ra vào thường xuyên. Từ khi bà Loan rào vườn, xe lớn
không qua lại được, gia đình phải thuê xe nhỏ chở nhiều chuyến hoặc phải
thuê nhà kho chứa hàng với giá 500 ngàn đồng/tháng. Nhiều hộ muốn xây
dựng, sửa chữa nhà cũng khó khăn. 7 hộ dân ở đây còn phải sống chung với
ô nhiễm môi trường do nước thải từ việc thu mua mủ cao su của hộ ông
Châu gây ra. UBND xã cũng đã xử phạt nhưng đâu lại vào đấy.
CÓ THỂ GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM?
Chủ tịch UBND xã An Phú Lê Công Tráng cho biết: Đây chỉ là giải pháp
tạm thời. Về lâu dài, UBND xã sẽ tiếp tục tìm phương án giải quyết.
Trước đây, hộ ở đầu đường chỉ dựng nhà tạm thu mua gỗ. Để mở rộng điểm
tập kết, hộ này xây kè sát miệng cống. Tuy nhiên, năm 2005, khi lập bản
đồ địa chính, Xí nghiệp Trắc địa bản đồ 305 đã không trừ đường đi cho
các hộ dân phía trong.
Đối với việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Hoàng
Minh, Phó chủ tịch UBND huyện yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường
kiểm tra. Nếu phát hiện gây ô nhiễm thì xử lý theo quy định hoặc di dời
ra ngoài. Nếu hộ ông Châu không chấp hành thì thu hồi giấy phép.
Vấn đề đặt ra là, không hiểu UBND xã An Phú và Xí nghiệp Trắc địa bản
đồ 305 đã “biến hóa” như thế nào mà từ 39m2 trong giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất cấp cho bà Nhạn, đến khi bị lấn chiếm rồi được đo vẽ lại
với diện tích lên tới 96,1m2. Hơn nữa, vụ việc này “khó hiểu” khi thửa
đất có tới 85m2 thuộc hành lang lộ giới nhưng UBND xã An Phú vẫn không
giải tỏa được để làm đường đi cho dân.