CHINH PHỤC ĐỈNH CAO BÀ RÁ
Đầu năm 1990, khởi đầu hành trình “xẻ núi”, mở đường chinh phục đỉnh cao Bà Rá, đưa ánh sáng văn hóa về vùng sâu, xa... Ngày 26-8, con đường dài 1,5km từ chân núi lên đến đồi Bằng Lăng hoàn thành và tiếp đến là đoạn đường khó khăn hơn dài 1,2km từ đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi cũng được thông suốt. Quyết tâm chinh phục đỉnh cao Bà Rá đã dần trở thành hiện thực. Vấn đề tiếp tục đặt ra là làm sao để vận chuyển vật liệu xây dựng và đưa các trang thiết bị phát sóng lên đỉnh núi khi nguồn kinh phí từ ngân sách và vận động hỗ trợ khá hạn hẹp. Một lần nữa, các cấp lãnh đạo hạ quyết tâm dùng “sức người” để chinh phục. Hàng trăm con người đã được huy động để cõng từng viên gạch, ký cát, xi măng... rồi đến những kiện hàng máy móc, thiết bị kỹ thuật nặng hàng trăm ký đã được các công nhân bốc vác và cán bộ kỹ thuật đài ngày đêm thay nhau khiêng, cõng lên núi...
Năm 2010, Trung tâm phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Cuối năm 1990, các hạng mục công trình xây dựng ở Bà Rá như: nhà đặt máy, tháp ăng-ten, đường điện trung thế, hạ thế, hệ thống chống sét... lần lượt hoàn thành. Các máy phát thanh, phát hình cũng được lắp đặt và đưa vào hoạt động thử nghiệm.
Ngày 18-12-1991 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Đài phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá... Núi rừng Bà Rá như trẩy hội đón chào một công trình văn hóa lớn vừa được hình thành. Từ nơi đây, làn sóng phát thanh, truyền hình đã được đưa lên không trung và lan tỏa về các thôn, ấp xa xôi hẻo lánh... Khó có thể kể hết niềm vui của người dân lúc bấy giờ khi được đón nhận những hình ảnh, âm thanh rõ, đẹp được phát đi từ chính ngọn núi Bà Rá hùng vĩ này. Đó còn là niềm vui nhân đôi của những người “khởi xướng” và lãnh đạo thực hiện như: đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư tỉnh Sông Bé, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Phó chủ tịch tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, nguyên Chủ tịch huyện Phước Long; đồng chí Trần Đức Thủy, nguyên Phó chủ tịch huyện Phước Long... và các đồng chí lãnh đạo Đài Sông Bé như: đồng chí Ngô Thanh Tuyền, Giám đốc đài; đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc đài; đồng chí Đỗ Toàn Trung, nguyên Phó giám đốc đài... Đó còn là niềm vui của các tập thể, cá nhân trong tỉnh và đội ngũ cán bộ kỹ thuật đài lúc bấy giờ...
DIỆN MẠO MỚI
Sau hơn 15 năm giải phóng (1975-1990), người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã được đón nhận những hình ảnh, âm thanh ngọt ngào; được đón nhận kịp thời những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những bước đổi thay của quê hương, đất nước sau ngày giải phóng...
Ăng-ten phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá
Từ đó đến nay, Đài phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá không ngừng được đầu tư cải tạo và nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật ngày càng quy mô, hiện đại hơn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày càng tốt hơn.
Đài phát sóng Bà Rá hôm nay đã là một trung tâm phát sóng của quốc gia trong khu vực. Hàng ngày chuyển tải đến nhân dân lượng thông tin phong phú từ các chương trình phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương (như: VOV, VTV1, VTV2, VTV3, VTV5, BPTV).
24 năm - một chặng đường dài với biết bao sự hy sinh thầm lặng, sự gian khổ về môi trường sinh hoạt và làm việc, thiên tai, sấm sét... mà những người cán bộ, kỹ thuật viên nơi đây đã trải qua. Nhưng vượt trên tất cả là tinh thần dấn thân, chịu đựng gian khổ, đoàn kết một lòng. Họ là những chiến sĩ thầm lặng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của “người giữ sóng”.
Bà Rá hôm nay đang từng ngày thay đổi diện mạo để trở thành một khu du lịch lớn của tỉnh. Tuyến cáp treo đã hình thành, nhiều công trình chùa chiền đã và đang được dựng xây... Song, ngọn tháp ăng-ten sừng sững vươn cao trên đỉnh Bà Rá từ lâu đã trở thành một hình ảnh thân thiết đối với người dân trong tỉnh - một hình ảnh mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc từ một công trình “ý Đảng, lòng dân”.
Các năm 1993, 1995 - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1997: Huân chương Lao động hạng Ba, 2001: Huân chương Lao động hạng Nhì, 2010: Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng cùng nhiều danh hiệu khen thưởng cáo quý khác của các ngành, các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương...
Nguồn: Bình Phước Online.