Nghị quyết số 08-NQ/TW (năm 2002) và Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định ngành tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm trong cải cách tư pháp. Ngay sau khi nghị quyết đi vào cuộc sống, ngành tòa án tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác.
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử lưu động
vụ Nguyễn Hải Dương cùng đồng bọn tại trung tâm hành chính huyện Chơn Thành - Ảnh: N.Sơn
5 năm qua (2011-2015), việc thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như nâng cao nhận thức cán bộ, công chức ngành tòa án đối với công tác cải cách tư pháp. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, 5 năm qua, tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 29.549 vụ, việc; giải quyết 28.889 vụ, việc, đạt 95,85%. Trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh luôn đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Mức hình phạt mà tòa tuyên đều căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội, căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hình phạt nhằm đảm bảo tính tương xứng với hành vi phạm tội. Tòa án nhân dân hai cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ. Với việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm.
Để đạt được những kết quả đó thì ngay sau khi Nghị quyết số 49 được ban hành, ngành tòa án tỉnh đã xác định cải cách tư pháp nói chung và cải cách tư pháp của ngành tòa án nói riêng trên địa bàn tỉnh là một yêu cầu cấp thiết, cần được triển khai hiệu quả. Vì vậy, qua thời gian hoạt động của ngành đã có nhiều đổi mới tiến bộ, chất lượng hoạt động xét xử được nâng lên, số vụ án bị sửa, hủy hoặc sai sót trong xét xử giảm nhiều. Tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài đã được quan tâm giải quyết dứt điểm, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân được bảo đảm.
Để đội ngũ thẩm phán và cán bộ công chức có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt, Tòa án nhân dân tỉnh và tòa án nhân dân cấp huyện, thị đã chú trọng công tác cán bộ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho thẩm phán, cán bộ công chức trong ngành bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. Tòa án nhân dân tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và thực hiện điều động, bổ sung cán bộ cho cấp huyện, các đơn vị có án tăng nhiều để giải quyết kịp thời các loại án trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quan tâm đào tạo kế cận, tuyển chọn thẩm phán, bố trí sử dụng đúng cán bộ của các tòa án. Do vậy, hiện nay tình trạng thiếu thẩm phán cơ bản đã được khắc phục, hầu hết thẩm phán và thư ký tòa của tòa án nhân dân các huyện, thị xã và Tòa án nhân dân tỉnh đều có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, có nghiệp vụ vững vàng. Tòa án nhân dân tỉnh cũng đã thực hiện việc tăng thẩm quyền cho tòa án nhân dân huyện, thị xã nhằm giải quyết tốt các vụ án, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tòa án nhân dân tỉnh đã thành lập tổ nghiệp vụ cải cách hành chính gồm 4 thành viên giúp việc cho Chánh án trong việc tiếp công dân, nhận và xử lý đơn khởi kiện, thụ lý án đầu vào các loại vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, đồng thời tham mưu, phân án cho các thẩm phán theo quy định. Cán bộ tiếp dân luôn thể hiện thái độ lịch sự, lắng nghe và không tạo áp lực cho người dân đến liên hệ tại tòa.
Một điểm khác trong cải cách tư pháp cũng được ngành tòa án tỉnh thực hiện đạt hiệu quả là tăng cường kiểm tra, phát hiện sai sót của các bản án đã có hiệu lực pháp luật, chỉ đạo công tác xét xử và thi hành án hình sự đối với tòa án cấp huyện kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tòa án nhân dân các cấp cũng đã quan tâm đổi mới lề lối làm việc của các tòa, phòng chức năng, bảo đảm cho việc thụ lý, giải quyết vụ án và thực hiện thủ tục hành chính tư pháp nhanh chóng, thuận lợi, đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật. Việc tổ chức các phiên tòa hình sự đều đã được Tòa án nhân dân tỉnh và tòa án nhân dân huyện, thị xã thực hiện theo tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, chú trọng chỉ đạo thực hiện các nội dung cần cải cách theo bước đi, lộ trình thích hợp, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết số 49, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, thời gian gần đây tòa án nhân dân các cấp thực hiện hiệu quả việc đưa một số vụ án trọng điểm, quan trọng ra xét xử lưu động tại nơi bị cáo gây án nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. 5 năm gần đây, ngành tòa án tỉnh đã tổ chức hàng trăm phiên tòa xét xử lưu động, mang lại hiệu quả thiết thực. Các phiên tòa đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân, góp phần đấu tranh chống tội phạm và phòng ngừa chung.
Để cải cách hành chính tư pháp hiệu quả cần phải tiến hành nhiều hoạt động nhưng tựu trung là dựa vào thể chế, thiết chế, con người. Trong đó, xác định tòa án là trung tâm của tiến trình cải cách tư pháp. Thực tế đã chứng minh, những lợi ích mà cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh, trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Từ đó củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật và công lý của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: Bình Phước Online