Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi trong buổi cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Đồng Phú sáng 19-6.
34 TRANG TRẠI CHĂN NUÔI TẬP TRUNG CHƯA BỊ DỊCH TẤN CÔNG
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo: Toàn huyện Đồng Phú có 640 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 10.283 con lợn, số lượng tuy ít nhưng là tài sản của dân. Đối với những hộ có vật nuôi bị dịch bệnh, huyện phải cử cán bộ chuyên môn giám sát kỹ, theo dõi sát tình hình, hướng dẫn người dân cân đo số lượng lợn bị thiệt hại cẩn thận để thực hiện hỗ trợ đúng người, đúng mức độ, không để xảy ra điều đáng tiếc. Lãnh đạo huyện phải chuẩn bị nguồn lực thăm hỏi động viên người dân, có giải pháp hỗ trợ tái đàn để phục hồi kinh tế, đáp ứng thị trường sau khi đợt dịch đi qua. Rà soát các quy trình, giải pháp phòng chống dịch, khoanh vùng đệm cô lập các ổ dịch, tìm hiểu cách phòng dịch của các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn nhằm tuyên truyền cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tiến tới công bố hết dịch đối với các địa bàn đã khống chế và dập được dịch theo đúng quy định để người chăn nuôi sớm thoát khỏi khó khăn về áp lực thị trường giá lợn trong vùng dịch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và đoàn công tác của tỉnh kiểm tra chốt kiểm dịch động vật tạm thời do huyện Đồng Phú lập tại thị trấn Tân Phú
Theo thống kê của UBND huyện Đồng Phú, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 80.912 con, gồm 34 trang trại chăn nuôi tập trung với 70.629 con và 640 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 10.283 con. Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn huyện, chưa có trang trại chăn nuôi tập trung nào bị bệnh dịch tấn công mà chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục duy trì nhân viên thú y cơ sở, đồng thời nâng mức phụ cấp từ 1,0 lên 1,5 cho đối tượng này.
Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú NGUYỄN VĂN TẶNG
|
Ngày 8-5-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên ở địa bàn huyện Đồng Phú trên đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Đức Nhân, tổ 1, khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú với số lượng 7 con lợn rừng lai, tổng trọng lượng 507kg. Sau khi nhận thông báo về kết quả dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi, ngày 9-5, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Chi cục Thú y vùng VI, các ngành liên quan và UBND thị trấn Tân Phú tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình ông Nhân và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng bao vây, khống chế vùng dịch. Đến ngày 17-6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 31 hộ chăn nuôi của 20 ấp, khu phố trên địa bàn 9 xã, thị trấn; làm chết và buộc tiêu hủy 941 con lợn với tổng trọng lượng 51.832kg.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho biết: Hiện các đơn vị liên quan đã tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ. Cụ thể, đối với lợn thịt sẽ được hỗ trợ 37.000 đồng/kg, lợn con dưới 20kg hỗ trợ 100.000 đồng/con. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ đúng, hợp lý, đúng đối tượng, UBND tỉnh sẽ xem xét lại mức hỗ trợ để tránh bị khiếu nại.
KHOẢNG 2 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ CÁC HỘ BỊ THIỆT HẠI
Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn Đồng Phú đã 40 ngày, ổ dịch cuối cùng được phát hiện cách đây 20 ngày, đến nay chưa phát hiện thêm ổ dịch nào. Theo quy định, từ khi phát hiện ổ dịch cuối cách 30 ngày bệnh dịch được ngăn chặn và dập tắt thì sẽ công bố hết dịch. Huyện Đồng Phú đang tăng cường khoanh vùng đệm đối với các ổ dịch, rà soát quy trình phòng chống và dập dịch, đưa ra giải pháp hỗ trợ các hộ dân nuôi lợn bị thiệt hại, giúp họ tái đàn và tiến tới công bố hết dịch trong thời gian tới.
Đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại thị trấn Tân Phú (Đồng Phú)
Trong đợt dịch tả lợn châu Phi này, Đồng Phú được nhận định là một trong những huyện bị thiệt hại lớn, vì bệnh dịch bùng phát trên diện rộng với số lượng lớn lợn bị bệnh. Ngoài thực hiện các biện pháp phòng dịch theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 12-2-2019 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn huyện, thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời ra vào vùng dịch, tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm từ lợn. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn. Khảo sát, cập nhật giá lợn hơi hằng ngày trên địa bàn huyện để làm cơ sở xem xét hỗ trợ. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để người dân nhận biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Nguyễn Văn Tặng cho biết: Khó khăn nhất trong phòng chống dịch là loại bệnh dịch này chưa có vắc-xin phòng bệnh, vi-rút gây bệnh có thể tồn tại trong nhiều năm. Do đó, việc khống chế cũng như phòng bệnh phải mất nhiều thời gian và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới đạt kết quả. Lực lượng thú y trên địa bàn huyện “mỏng”, chưa được tập huấn về công tác phòng chống dịch. Đồng Phú là địa bàn rộng, phần lớn các hộ chăn nuôi bán tự nhiên trên vườn rẫy nên rất khó khăn trong xử lý phòng chống dịch. Trong thời gian 40 ngày đã có 31 hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mức độ gây hại của dịch bệnh là rất lớn, tình hình còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên toàn huyện rất cao, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi tập trung. Do đó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự, mà còn khó khăn trong việc xử lý tiêu hủy và kinh phí hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. UBND huyện đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan, UBND xã, thị trấn tham mưu UBND huyện hỗ trợ người dân. Số tiền chi hỗ trợ đợt này khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của huyện. Thời gian thực hiện hỗ trợ trong tháng 6-2019.
Nguồn: Bình Phước Online