Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh bình phước
Tỉnh Bình Phước là một tỉnh của miền Đông Nam Bộ, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (07 huyện, 03 thị xã, 01 thành phố) và 111 xã, phường, thị trấn với dân số hơn 1 triệu người (lứa tuổi từ 12 - 30 tuổi chiếm trên 30%), có 41 thành phần dân tộc; địa hình đa dang, gồm cả cao nguyên, đồi núi và đồng bằng; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vị trí không xa thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có nhiều dự án đầu tư, khu công nghiệp hoạt động, có đường biên giới dài (258.939km), nhiều cửa khẩu thông thương với vương quốc Campuchia nên có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), tỉ lệ phát sinh tội phạm hàng năm được kiềm chế, kéo giảm, không xuất hiện tội phạm có tổ chức, các băng, ổ, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”…
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, tình hình ANTT trên địa bàn xuất hiện 1 số vấn đề, tỷ lệ thanh thiếu niên (TTN) phạm tội và vi phạm pháp luật (VPPL) có chiều hướng gia tăng về cả số vụ và mức độ vi phạm, trong đó các đối tượng phần lớn đều bỏ học sớm, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, chủ yếu là tình trạng tụ tập gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy; không chịu sự giáo dục của gia đình. Trung bình hằng năm, vụ án liên quan đến TTN tham gia hoạt động phạm tội chiếm trên 35% tổng số vụ án mà các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh điều tra, xử lý, hầu hết các đối tượng đều nghiện ma túy, nghiện game online, không nghề nghiệp, bỏ học, lang thang. Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2024 TTN VPPL trên địa bàn tỉnh chiếm 36,19% tổng số toàn tỉnh (1181/3263), quản lý 216 TTN trường hợp người nghiện là TTN, chiếm 57,14% toàn tỉnh (216/378). Ngoài ra, hiện nay, tình trạng TTN vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến, nhất là những hành vi không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, luồn lách, đánh võng, đua xe trái phép, lái xe không phù hợp với lứa tuổi, qua thống kê, từ ngày 01/10/2023 đến 01/10/2024, có trên 57% số trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông ở lứa tuổi TTN (30.907/53.858 trường hợp), trên 30% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do TTN gây ra (114/339), nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của TTN chưa tốt, mặt khác là do tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, a dua nên đã gây ra những vụ tai nạn hết sức đau lòng.
Trên thực tế cho thấy, một bộ phận TTN chưa ý thức được việc làm sai trái của mình có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều em bị dụ dỗ phạm tội hay gián tiếp phạm tội mà không biết mình đã vi phạm pháp luật. Sỡ dĩ điều này, một phần là do nhận thức còn hạn chế của TTN về các quy định của pháp luật, một phần do định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội đối với lứa tuổi TTN chưa đạt hiệu quả. Số TTN vi phạm pháp luật thường sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bố, mẹ không quan tâm, có những trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, như: bố mẹ ly hôn, bố mẹ đang chấp hành án phạt tù, bố hoặc mẹ đã qua đời, các em phải sống với ông bà, người thân hoặc lang thang, từ đó, nhiều TTN phát triển theo chiều hướng lệch lạc và tạo nên hành vi nổi loạn, bất cần, hay bị lôi kéo bởi các đối tượng xấu. Ngoài ra, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống hưởng thụ, thực dụng đã và đang tồn tại ở một số TTN hiện nay, bị tiêm nhiễm từ các đối tượng xấu, những trang mạng có tính chất bạo lực, đồi trụy cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật trong TTN.
Ngăn chặn tình trạng TTN phạm tội và vi phạm pháp luật là mối quan tâm của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để chung tay phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong TTN như: Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 27/3/2024 UBND tỉnh về thực hiện chương trình phòng chống ma túy trong TTN đến năm 2030; Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 15/01/2024 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Kế hoạch số 17/KH-BCĐ ngày 19/01/2024 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2024…; đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nghiệp vụ, tập trung nắm tình hình; tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm nhằm kéo giảm tội phạm trong TTN góp phần ổn định tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh.
Chơn Thành kịp thời ngăn chặn nhóm thành thiếu niên sử dụng hung khí chuẩn bị giải quyết mâu thuẫn
Qua đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên đạt nhiều kết quả tích cực, đã kịp thời ngăn chặn nhiều nhóm thanh thiếu niên hỗn chiến tại đường phố; triệt phá nhiều nhóm tội phạm, tệ nạn cờ bạc do TTN thực hiện; nhanh chóng điều tra phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng trong các vụ trọng án do TTN gây ra, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh ngày càng được kiềm chế, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác điều tra, xử lý tội phạm do TTN thực hiện đúng quy định pháp luật, nghiêm minh, góp phần răn đe, giáo dục đối tượng; 100% tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến TTN được tiếp nhận, xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tội phạm, VPPL trong TTN trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình hình TTN phạm tội và VPPL còn diễn ra nhiều và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ vi phạm pháp luật xảy ra; vẫn còn diễn ra tình trạng các nhóm TTN gây ra các vụ trọng án, gây bức xúc trong nhân dân, khiến dư luận phản ánh; số người nghiện ma túy ở lứa tuổi TTN còn nhiều (216/378 người có hồ sơ quản lý);
Từ những kết quả đã đạt được, cũng như tồn tại hạn chế trong thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong TTN trên địa bàn, Công an tỉnh Bình Phước rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong TTN phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc tham gia công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong TTN góp phần kéo giảm tội phạm trên địa bàn.
Hai là, chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm trong TTN, nhất là nội dung liên quan đến các tội thường hay xảy ra ở TTN như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, sử dụng trái phép chất ma túy, cướp, cướp giật tài sản, vi phạm giao thông để các em nhận thức được hành vi sai phạm của mình, tác hại, hậu quả xảy ra khi để vi phạm, nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, như: xây dựng các slide, video clip, hình ảnh, tin nhắn, truyền hình trực tuyến, truyền thanh phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng; xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật trong học sinh, sinh viên, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức như thi online, sân khấu hóa.
Các em học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến – Phú Riềng trả lời câu hỏi trong Buổi tuyên truyền pháp luật
Công an thị xã Bình Long tặng quà cho các em học sinh trong buổi tuyên truyền pháp luật và trật tự an toàn giao thông
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ kịp thời các trang thông tin xấu, độc, kích động, lôi kéo TTN phạm tội và VPPL, các hội, nhóm trá hình có nội dung mang tính bạo lực, đồi trụy làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ em; phải nghiêm cấm và xử lý kịp thời, nghiêm khắc.
Để công tác phòng, chống tội phạm trong TTN trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới cần thực thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
1. Chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tội phạm và VPPL trong TTN trên địa bàn, đặc biệt là đối với các loại tội phạm và VPPL liên quan đến TTN thường xuyên xảy ra. Trên cơ sở đó, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở chung tay phòng chống tội phạm và VPPL trong TTN.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, lấy phòng ngừa là chính, coi trọng phòng ngừa ngay từ gia đình, các cơ sở giáo dục, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, trực quan, sinh động, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi TTN. Xây dựng các mô hình tại các trường học, thành lập các câu lạc bộ để phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh sinh viên, đồng thời nắm bắt những thông tin, nguyện vọng, mong muốn của học sinh, sinh viên để xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp, hiệu quả, chủ dộng, kịp thời phát hiện và can thiệp sớm đối với TTN phạm tội và VPPPL; kết hợp tăng cường đấu tranh, triển khai các kế hoạch, phương án, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và VPPL trong TTN.
3. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là với Đoàn thanh niên, Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Ủy Ban mặt trận Tổ quốc, các cơ sở giáo dục; phát huy vai trò và tinh thần trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, nâng cao trình độ học vấn trong TTN, giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, quản lý, động viên con em của mình và người thân trong gia đình không thực hiện các hành vi phạm tội và VPPL.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, gải quyết các vấn đề, hiện tượng tiêu cực phát sinh từ xã hội tác động đến TTN như: các hoạt động văn hóa, giải trí không lành mạnh; các cơ sở hoạt động kinh doanh, quảng cáo có tính bạo lực, đồi trụy, các dịch vụ nhạy cảm về ANTT, các điểm, tụ điểm phức tạp xung quanh các cơ sở giáo dục, nơi tập trung đông TTN như tại các công ty, khu công nghiệp để loại bỏ dần các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến TTN phạm tội, VPPL, tạo môi trường lành mạnh để TTN phát triển.
5. Phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để điều tra, xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật các tin báo, tố giác tội phạm có liên quan đến TTN; đảm bảo chất lượng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, lựa chọn xét xử án điểm các vụ thường xuyên xảy ra trong TTN, gây bức xúc trong nhân dân, hoang mang dư luận xã hội nhằm tăng tính răn đe, giáo dục và tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
6. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và VPPL liên quan đến TTN cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng đấu tranh, xử lý.