Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, TBT Báo CAND, Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc NXB CAND, TS Lê Bích Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW và đại diện nhiều ban, ngành, các nhân chứng lịch sử… dự buổi lễ.
Tại buổi gặp gỡ, bà Minh Vân chia sẻ: Từ câu hỏi của các con “sao chúng mình không biết gì về ông bà ngoại”, mà bà đã quyết định làm cuộc hành trình tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của cha mình, bất chấp muôn mà thử thách, rào cản. Suốt 23 năm tìm kiếm thông tin về cha của bà, đã không chỉ dựng lại hình ảnh về cha mình, mà còn trả lại chân dung đích thực, đầy hy sinh thầm lặng của nhà tình báo lỗi lạc.
Bà Minh Vân chia sẻ hành trình tìm tư liệu về cha mình.
Ban đầu, bà chỉ định viết cuốn sách nhằm tri ân 5 người mẹ đã nuôi bà từ nhỏ đến lúc trưởng thành, nhưng rồi, như bà tâm sự: “Gặp gỡ đồng đội của cha tôi, tôi chợt thấy mình tầm thường, bé nhỏ. Những chiến công mà đồng đội của ba tôi kể về ba, cũng chính là quá khứ đẹp đẽ và sự hy sinh lớn lao mà thầm lặng của họ.”
Vì thế, bà Minh Vân đã gom góp rất nhiều tư liệu về những người chiến sĩ tình báo để ra cuốn sách. Bà đã gặp tới 463 nhân chứng, nhiều người giữ vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng có không ít người đã phải mang theo nỗi oan thác xuống tuyền đài, là đồng đội cũ của cha mình.
Cuốn sách “Không thể mồ côi” tái hiện một phần nhỏ số phận và cống hiến vô cùng to lớn của chiến sĩ tình báo. “Như tâm linh của cha tôi cứ dẫn dắt tôi đi dọc hành trình hoạt động của ông, để nói rằng, không chỉ riêng ba tôi, mà còn nhiều người cũng có những chiến công to lớn không kém. Chỉ có điều, họ không được nhắc đến mà thôi! Không ai được phép quên quá khứ và công bằng với hiện tại, là thông điệp mà cuốn sách muốn mang đến với độc giả”.
Trong cuốn sách có một bức ảnh bà Minh Vân hồi nhỏ ngồi bên Bác Hồ. Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về tấm ảnh này, bà Minh Vân cho biết đó là kỷ vật đặc biệt với bà: Bức ảnh chụp năm 1957, khi Bác Hồ đến thăm Trường Quốc tế thiếu nhỉ ở Tiệp Khắc. Sau này, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người được cha bà gửi gắm bức ảnh, đã trao lại di vật này cho bà với lời dặn: “Cha con làm thầy, con mới được như hôm nay. Cha đã làm thầy thì không được đốt sách nghe con!”
Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc NXB CAND, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng,
người tổ chức, biên tập bản thảo “Không thể mồ côi” cùng bà Minh Vân và người thân.
Ông Tuấn Long, nguyên thư ký của Bộ trưởng Bộ Công an Mai Chí Thọ, kể lại: đồng chí Mai Chí Thọ từng nói, không biết anh Đạo có linh thiêng không mà sinh ra người con gái hiếu thảo thế, để Minh Vân đi tìm cha không phải trong chiến tranh mà là đi tìm người đã mất. Anh Đạo được phong Anh hùng, không thể không nói đến công lao của con gái khi tìm được cả quá trình lịch sử của bố và bổ sung lý lịch cho gia đình.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, dân tộc Việt Nam đang sống bằng ký ức Máu và hoa, và “Không thể mồ côi” là một cuốn hồi ức lương thiện. Đại tá, nhà văn Nguyễn Đăng An cũng chia sẻ: “Không thể mồ côi” rất chân thật, khi không giấu giếm những nỗi đau cá nhân, nhìn về quá khứ mất mát bằng sự khách quan, nhân ái, tạo nên tính hấp dẫn và giá trị tư tưởng cao. Tác giả đã đối diện với giông bão cuộc đời một cách kiên cường, như một tấm gương hy sinh, xứng đáng với truyền thống.
Hoàng Minh Đạo tên thật là Đào Phúc Lộc, sinh năm 1923 ở Móng Cái, Quảng Ninh, 16 tuổi đã được chính Tô Hiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản. Nhờ sớm bộc lộ tư chất đặc biệt đối với hoạt động tình báo nên năm 22 tuổi, tuy còn rất trẻ, Hoàng Minh Đạo đã được đồng chí Trường Chinh tin tưởng, giới thiệu sang quân đội và giữ chức Trưởng phòng tình báo quân ủy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vì thế, trong lịch sử ngành tình báo quân đội Việt Nam, Hoàng Minh Đạo vẫn được coi là vị chỉ huy đầu tiên, người đặt nền móng cho ngành tình báo non trẻ Việt Nam ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Nguồn: cand.com.vn