Nguyễn Đạt
Chủ tịch Hồ Chí Minh tầm nhìn vượt thời đại
Lượt xem: 6
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – vùng đất “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống cách mạng – Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sớm chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Các phong trào yêu nước, những cuộc khởi nghĩa liên tục nổ ra nhưng đều thất bại, vì thiếu một đường lối đúng đắn. Với tầm nhìn chính trị nhạy bén và ý chí kiên cường, lòng yêu nước thương dân sâu sắc Người đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam.
anh tin bai

Con tàu La Touche Tréville đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh tư liệu).

Hành trình ra đi tìm đường cứu nước 

Tận mắt chứng kiến, thấu hiểu nổi đau mất nước, các phong trào đấu tranh yêu nước đều lần lượt rơi vào thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên tàu La Touche Tréville rời Cảng Nhà Rồng, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Trên hành trình ấy, Người mang theo hành trang là lòng yêu nước thiết tha, tinh thần nhân văn sâu sắc và khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trải qua nhiều quốc gia, Nguyễn Tất Thành (sau đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc) đã tận mắt chứng kiến đời sống của nhân dân lao động ở các nước thuộc địa, tìm hiểu các phong trào cách mạng tiêu biểu như Cách mạng Mỹ (1776), Cách mạng Pháp (1789), đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). Cuộc cách mạng vĩ đại này đã mở ra kỷ nguyên mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và làm sáng rõ tính đúng đắn, thực tiễn của học thuyết Mác – Lênin.

Năm 1920, khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chân lý cách mạng. Người xúc động thốt lên: “Cơm áo đây rồi! Hạnh phúc đây rồi!”. Từ đó, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Và “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”, kết luận này khẳng định sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam; Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp; hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn mà còn là người tổ chức, truyền bá tư tưởng cách mạng, trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng. Hội đã đào tạo nhiều cán bộ cách mạng, xuất bản báo Thanh Niên, bí mật truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin về nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh trong nước phát triển mạnh mẽ.

Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người soạn thảo và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, xác định rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam: đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một cương lĩnh chính trị phản ánh đúng tình hình và quy luật khách quan của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế thời đại.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn, giành được những thắng lợi vang dội như: cao trào 1930–1931, Mặt trận Dân chủ 1936–1939, Khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, chiến thắng thực dân Pháp năm 1954, đế quốc Mỹ năm 1975, đưa đất nước thống nhất, độc lập, bước vào thời kỳ phát triển mới.

Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Những thành quả to lớn đó là minh chứng sinh động cho tầm nhìn vượt thời đại và tính đúng đắn của con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn, vô giá của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là di sản lịch sử mà còn là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lịch sử đã lùi xa, nhưng ánh sáng từ tư tưởng Hồ Chí Minh, tầm nhìn chiến lược, nhân cách cao cả và cống hiến vĩ đại của Người vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là người khởi xướng một tầm nhìn vượt khỏi biên giới quốc gia, tầm nhìn về một thế giới hoà bình, công bằng, bác ái và tiến bộ.

Ngọc Huấn