Công an tỉnh Bình Phước
Để mùa hè an toàn hơn
Lượt xem: 101
Giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết góp phần chăm sóc bảo vệ trẻ em. Để giúp trẻ dễ dàng thích nghi, chủ động ứng phó, tự bảo vệ bản thân trong mọi tình huống, hoàn cảnh, toàn hệ thống chính trị đã và đang chung tay thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn cho trẻ.  

Từ công tác tuyên truyền

Mùa hè đến cũng là thời điểm nỗi lo đuối nước bủa vây, nhất là với những gia đình ở vùng nông thôn. Bởi khu vực nông thôn hầu hết đều thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích và an toàn cho trẻ. Trong khi đó, khi học sinh được nghỉ học, phụ huynh bận đi làm thì việc sát sao theo dõi các em sẽ có phần lơ là. Cũng vì vậy mà tai nạn do đuối nước có thể xảy ra nhiều hơn. Ghi nhận từ thực tế các vụ đuối nước cho thấy, nguyên nhân xảy ra tình trạng đuối nước là do môi trường sống thiếu an toàn, có nhiều ao hồ sông suối, công trình thi công không che chắn và do phụ huynh bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát, chủ quan đối với các em khi sống trong môi trường tiềm ẩn tai nạn đuối nước. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Bù Đăng, từ năm 2023 đến nay, xảy ra 6 vụ đuối nước thì có 5 vụ liên quan đến các ao, hồ nước tưới tiêu của người dân – những khu vực nguy hiểm nhưng chưa được rào chắn cẩn thận. “Phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em không được tắm sông, ao hồ khi chưa được sự đồng ý, giám sát của cha mẹ. Đồng thời, cho con học bơi, rèn kĩ năng phòng ngừa đuối nước để có thể chủ động phòng tránh nguy hiểm. Khi được trang bị tốt các kĩ năng về phòng chống đuối nước, trẻ sẽ an toàn hơn”, Thượng tá Nguyễn Thọ Bài, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết.

anh tin bai

Nâng cao nhận thức trong phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em tại lễ khai mạc hè xã Bình Sơn, huyện Bù Gia Mập

Rõ ràng, để phòng tránh tai nạn đuối nước, công tác truyền thông đóng vai trò cực kì quan trọng. Không chỉ là nâng cao nhận thức cho các em mà còn phải nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng trong bảo vệ trẻ em. Thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc phòng chống đuối nước cho trẻ em tại địa phương, thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức tuyên truyền lưu động hoặc phát tờ rơi,…với mục đích trang bị kiến thức cho cộng đồng.  “Mỗi gia đình, cộng đồng cần phải có kiến thức, kĩ năng để giám sát, quản lý trẻ, đồng thời mỗi gia đình phải thấy rõ trách nhiệm bảo vệ chính con em mình”, Thượng tá Nguyễn Thọ Bài nói.

Sau tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em, thanh thiếu niên. Tại trường THPT Đồng Phú, huyện Đồng Phú, việc vận động, tuyên truyền học sinh chấp hành Luật giao thông đường bộ trong dịp hè được đặc biệt quan tâm. “Những tuần cuối trước khi nghỉ hè, vào giờ sinh hoạt dưới cờ hay sinh hoạt lớp, nhà trường thường xuyên giáo dục nhắc nhở cá em chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông. Nghỉ hè là lúc các em có nhiều thời gian rảnh rỗi, hay cùng nhau đi chơi. Trong khi đó, phương tiện giao thông các em sử dụng chủ yếu hiện nay là xe đạp điện hoặc xe gắn máy, đều có tốc độ cao nên nguy cơ tai nạn cũng nhiều hơn. Do vậy, nhà trường cũng liên lạc và phối hợp với phụ huynh để quản lý các em trong dịp hè”, thầy Hồ Hữu Nhương, Bí thư Đoàn trường THPT Đồng Phú cho biết. Trong các buổi sinh hoạt hè, trường THPT Đồng Phú đều cố gắng lồng ghép, nhắc nhở các em những vấn đề cần chú ý khi tham gia giao thông. 

Cho đến trải nghiệm kĩ năng 

Để phát triển toàn diện, bên cạnh việc nắm vững kiến thức, trẻ cần được dạy các kĩ năng cơ bản và trưởng thành trong môi trường lành mạnh. Việc cho trẻ tiếp xúc sớm với những kĩ năng thực tế không chỉ giúp trẻ quen dần với các kĩ năng mà còn giúp trẻ học được cách tự bảo vệ bản thân trước những sự cố bất ngờ xảy ra. Trẻ em được học tập, vui chơi, sinh hoạt trong môi trường an toàn, lành mạnh, tiếp thu kĩ năng sống tốt là mong muốn của các bậc phụ huynh và của toàn xã hội. Anh Nguyễn Văn Vinh, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài chia sẻ, nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho con tham gia các lớp kĩ năng, năng khiếu, khóa học trải nghiệm,…vì đó đều là những kiến thức, sân chơi rất bổ ích cho các con. “Khi quan sát các con tham gia khoá trải nghiệm về kĩ năng phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ, tôi nghiệm ra được những thiếu sót dẫn đến bị động, lúng túng của các con nếu gặp tình huống cháy hay khi đi bơi. Vì thế, học các kĩ năng về bơi lội, cứu hoả,…sẽ giúp các con tiến bộ hơn, tiếp thu các kĩ năng sống để chủ động xử lý an toàn, khôn khéo trong mọi tình huống, cũng như vận dụng các kiến thức bài học trên lớp vào thực tiễn cuộc sống.

anh tin bai

Học sinh được hướng dẫn kĩ năng thoát hiểm khi tham gia trải nghiệm thực tế tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh

Liên quan đến trải nghiệm kĩ năng thực tế, Thượng uý Trần Quốc Trưởng, Cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết thêm, “việc trải nghiệm cực kì quan trọng vì nếu không có tình huống thực tế, các bạn sẽ rất khó hình dung được mình phải làm gì trong tình huống đó. Ví dụ chúng tôi tổ chức một đám cháy giả định sẽ có khói độc giả định và cho các bạn tổ chức thoát nạn. Khi đó, các bạn sẽ biết được trong một đám cháy khói như thế nào, nguy hiểm ra sao và dùng biện pháp gì để thoát ra khỏi đám khói đó”. Tại các buổi trải nghiệm thực tế, các em học sinh được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, xử lý tình huống khi xảy ra cháy, đặc biệt là cách nhận biết đám cháy, cách xử lý khi có cháy, cách thoát ra ngoài an toàn và tránh hít phải khói khí độc. Đây là những kĩ năng vô cũng hữu ích, thiết thực bởi trong mỗi vụ cháy, các em nhỏ thường là những nạn nhân đầu tiên bởi các em không biết cách xử lý và thoát hiểm như thế nào.

Tương tự như các kĩ năng thoát hiểm trong mỗi vụ cháy, kĩ năng phòng chống đuối nước cũng ngày càng được quan tâm và chú trọng giáo dục nhiều hơn bên cạnh kĩ năng bơi lội. Trong các khóa học phổ cập bơi và phòng chống đuối nước được tổ chức vào mỗi dịp hè, trẻ được trang bị một số kĩ năng cơ bản tự xử lý khi bản thân là nạn nhân của đuối nước và kĩ năng xử lý khi người khác gặp đuối nước như tìm được những vật dụng phù hợp, biết hô hấp nhân tạo và biết gọi người lớn hơn hỗ trợ mình. 

Mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Do đó, việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng về phòng chống tai nạn cho trẻ sẽ từng bước giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn thương tâm, đau lòng ở con trẻ.

Thu Thảo