Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nội dung với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Trật tự an toàn giao thông cho người dân.
Sân khấu hoá tuyên truyền
200 học sinh đến từ các trường THPT Nguyễn Du, THPT Hùng Vương và THPT Đồng Xoài, thành phố Đồng Xoài vừa tham gia hội thi “Tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh trên địa bàn thành phố Đồng Xoài” năm 2025. Nội dung các phần thi tập trung vào việc tìm hiểu các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Các câu hỏi chủ yếu xoay quanh mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm như: điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện, trách nhiệm của người giao xe, vi phạm nồng độ cồn, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm… Thay vì hình thức hỏi – trả lời quen thuộc, hội thi được tổ chức theo nhiều trò chơi khác nhau như: ghép hình, nhận biết biển báo, hiểu ý đồng đội... từ đó loại dần người chơi để tìm ra người chiến thắng. Em Nguyễn Tiến Đạt, học sinh lớp 10, trường THPT Hùng Vương, chia sẻ: “Em thích nhất là phần thi Mảnh ghép bí ẩn. Trong phần thi này, em và các bạn sẽ cùng nhau thực hiện ghép đúng các bức tranh mang thông điệp tuyên truyền an toàn giao thông, rất thú vị”. Trung uý Nguyễn Phi Long, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên luôn là công tác thường xuyên của Phòng Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi luôn muốn đổi mới hoạt động này, không chỉ đơn thuần là tuyên truyền miệng mà còn tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn những kiến thức pháp luật khô cứng, cụ thể hoá và thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới”.

Học sinh hào hứng tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT
Có thể thấy, hình thức tuyên truyền thông qua hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật là một cách làm hiệu quả, góp phần đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ưu điểm nổi bật của hình thức này là khả năng tiếp cận rộng rãi, phù hợp với nhiều đối tượng, đáp ứng yêu cầu phổ cập pháp luật cho mọi tầng lớp Nhân dân, đồng thời phát huy tính chủ động, tích cực của người tham gia.
Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức Hội thi tuyên truyền an toàn giao thông năm 2025 dành cho các khu dân cư trên địa bàn xã Thanh Phú, thị xã Bình Long. Với chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”, các đội thi gồm Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ tự quản và người dân đã cùng nhau tranh tài, tìm hiểu kiến thức và quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua các phần thi sôi nổi, hấp dẫn.
Thượng tá Nguyễn Đức Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, thành viên Ban giám khảo hội thi, nhận xét: “Hội thi được tổ chức rất thành công và hiệu ứng tuyên truyền cũng rất tốt. Chúng tôi nhận thấy các đội thi đều có sự chuẩn bị nghiêm túc, đặc biệt là đã chủ động tìm hiểu và ôn luyện kiến thức kỹ càng trước khi tham gia. Đây chính là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới khi tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhằm giúp người dân chủ động tiếp cận, ghi nhớ và áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”.
Tăng cường đổi mới phương pháp
Thực tế cho thấy, mỗi cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật đều xác định rõ đối tượng và nội dung trọng tâm. Nhiều hội thi được tổ chức theo chuyên đề, đi sâu vào một lĩnh vực pháp luật cụ thể, đặc biệt là những quy định mới được ban hành. Qua đó, định hướng người tham gia chủ động tìm hiểu, học tập các quy định của pháp luật một cách thiết thực.
Đây không chỉ là hình thức tuyên truyền hiệu quả mà còn góp phần tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, xây dựng môi trường xã hội văn minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Hội thi tuyên truyền an toàn giao thông với chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai” với sự tham gia của người dân trên địa bàn xã Thanh Phú, thị xã Bình Long
Những mô hình tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2024, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp tổ chức 402 buổi tuyên truyền, thu hút khoảng 276.449 lượt người tham dự; tổ chức cho 126 doanh nghiệp, 1.057 cá nhân, 1.707 lái xe, 140.140 học sinh, 78.800 phụ huynh và hơn 4.000 giáo viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về ATGT.
“Thông qua công tác tuyên truyền, các báo cáo viên của Đội thường xuyên lồng ghép nội dung kết quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, cũng như các gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT để người dân có thêm kiến thức, hiểu biết và hình thành thói quen chấp hành pháp luật”, Trung tá Trần Thị Lệ Xuân, Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền, Điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT cho biết.
Theo Kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT năm 2025 của lực lượng Cảnh sát giao thông, thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đổi mới. Trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; xây dựng lộ trình hình thành văn hoá giao thông đối với người điều khiển phương tiện; từng bước tạo lập thói quen “Đã uống rượu, bia – không lái xe”.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng sẽ tăng cường bảo đảm trật tự ATGT đối với lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, phấn đấu đạt 90% số cổng trường trên các tuyến, địa bàn quản lý đáp ứng tiêu chí an toàn giao thông.