Ngay sau khi Văn phòng Chủ tịch nước vào sáng 28-6 công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật, trong đó có Luật An ninh mạng, vừa được Quốc hội thông qua, Báo CAND tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết của luật này.
Điểm chung trong các ý kiến mà Báo CAND ghi nhận được đều cho rằng, Luật An ninh mạng ra đời là rất cần thiết để phát huy sức mạnh, hiệu quả phục vụ xã hội, phục vụ đất nước; là công cụ để quản lý công nghệ thông tin ở trình độ cao, chống lại những tác nhân gây bất ổn trên không gian mạng; đảm bảo cho một xã hội dân chủ trong xu thế hội nhập…
Với tốc độ bùng nổ của Internet, của mạng xã hội, chưa bao giờ những thông tin thật giả lẫn lộn, vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội lại lan tràn như hiện nay. Việc xử lý những hành vi trên còn nhiều hạn chế đã cho thấy sự cần thiết phải có một luật riêng cho môi trường mạng.
|
Kỹ sư, nhà khoa học Vũ Đức Hòa.
|
Từ nhìn nhận này, Kỹ sư, nhà khoa học Vũ Đức Hòa - Viện Khoa học sáng tạo Việt Nam (Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam) cho biết: “Luật An ninh mạng là điều phải làm chứ không vì dư luận mà chúng ta chao đảo. Sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua là do chúng ta chưa giải thích kỹ cho dân hiểu về tầm quan trọng cũng như sự bức thiết của luật An ninh mạng. Bây giờ chúng ta vừa làm vừa thuyết phục để mọi người cùng hiểu và tôi tin chắc sẽ có sự đồng lòng trong vấn đề này.
Là một người vừa làm doanh nghiệp vừa nghiên cứu khoa học theo công nghệ 4.0, tức là hoàn toàn dựa vào công nghệ thông tin, nhiều người hỏi tôi là có bị Luật An ninh mạng hạn chế gì không?
Tôi trả lời dứt khoát là không, mà trái lại Luật An ninh mạng còn là khung pháp lý vững chắc bảo vệ thành quả lao động, nghiên cứu của tôi, loại bỏ rủi ro và sự xâm phạm từ không gian mạng bằng công nghệ”.
Riêng với mạng xã hội, ông Vũ Đức Hòa nhấn mạnh: “Tôi thấy nhiều vấn đề không bình thường, vượt ra khỏi giới hạn văn hóa và đạo đức. Nếu xã hội không có những biện pháp ngăn chặn, các cá nhân, gia đình sẽ phải trả giá, từ người nổi tiếng tới người vô danh. Vì vậy, Luật An ninh mạng là cần thiết để bảo vệ hạ tầng không gian mạng, chống lại nhiều loại tội phạm khác nhau.
Với những người làm việc chân chính thì hoàn toàn tin tưởng ở luật này. Chỉ có những người lợi dụng nó để “đục nước béo cò” mới ra sức phản đối”.
Ông Nguyễn Đức Hòa kể, ông được biết Luật An ninh mạng đầu tiên của châu Âu đã có hiệu lực ngày 9-5-2018. Tại Đông Nam Á thì Indonesia và Singapore đã thành lập các cơ quan không gian mạng chuyên trách. Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về bảo mật trên mạng.
Mỹ đã có các quy định về các hành vi phạm pháp trên không gian mạng, Australia đã thông qua Luật tiết lộ dữ liệu... “Cho nên, Việt Nam cần phải thực hiện Luật An ninh mạng càng sớm càng tốt”, ông Hòa khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Phép, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho rằng phải lấy pháp luật làm nền tảng quản trị không gian mạng. Đối với hoạt động thông tin truyền thông, Luật An ninh mạng sẽ đảm bảo cho một xã hội dân chủ trong xu thế hội nhập. Đó là xu thế không thể cưỡng lại được.
“Một xã hội phát triển thì thông tin phải được truyền đi một cách nhanh chóng, kịp thời nhưng phải chính xác chứ không thể có thông tin làm nhiễu sự thật để phục vụ mục đích xấu. Mạng truyền thông là công cụ để bảo vệ đất nước, quảng bá sự nghiệp phát triển đi lên nói chung và có nhiệm vụ ngăn chặn tất cả những gì chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Như vậy rõ ràng phải có kiểm soát, quản lý, điều hành. Với tính chất quan trọng, Luật An ninh mạng ra đời cần thiết để phát huy sức mạnh, hiểu quả phục vụ xã hội, phục vụ đất nước. Là công cụ để quản lý ở một trình độ cao, sánh được với trình độ phát triển của công nghệ thông tin hiện nay”, ông Nguyễn Hữu Phép nói.
Nhiều chuyên gia cùng đồng quan điểm khi cho cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển ngày nay đang nhanh như vũ bão, từ việc xây dựng chính phủ điện tử, nhà nước điện tử... “Tự động hóa cũng không tách rời yếu tố của nền công nghiệp 4.0 mà trong đó yếu tố thông tin giữ vai trò cực kỳ quan trọng.
Nói thế để thấy rằng, mạng công nghệ thông tin rất đặc biệt trong đời sống xã hội hiện nay. Nếu chúng ta không có công cụ đủ sức, đủ tầm để kiểm soát, quản trị vận hành và tổ chức khai thác tốt nhất các hoạt động trên không gian mạng thì sẽ rất nguy hiểm.
Tôi nghĩ đây là ý chí và mong muốn không chỉ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn của cả nhân dân. Một vấn đề đều có hai mặt. Chúng ta phải bảo vệ mặt tích cực và chống lại mặt tiêu cực, nếu không thì mọi cái tiêu cực của cả thế giới sẽ dồn vào mình hết chứ không chỉ trong nội bộ đất nước.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có pháp luật. Pháp luật là công cụ, là nền tảng để quản trị đất nước nói chung”, ông Nguyễn Hữu Phép khẳng định.
Nguồn: CAND Online