Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân (15/12/1959 - 15/12/2024) đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Những chú chó nghiệp vụ không chỉ là công cụ, vũ khí đắc lực mà còn là chiến binh quả cảm, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự. Tại Công an Bình Phước, lực lượng này cũng đang ngày đêm góp sức mình để bảo vệ bình yên cuộc sống.
Ngày 15/12/1959, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên của Việt Nam với 44 học viên được khai giảng tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân). Từ đó, ngày 15/12 hằng năm được chọn làm Ngày truyền thống của lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân.
Lực lượng quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ trong biên chế của Cảnh sát cơ động
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung và của Công an tỉnh Bình Phước nói riêng luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Xuất phát từ tình hình anh ninh trật tự, tỉnh Bình Phước là địa bàn tuyến biên giới, đặc biệt là sau sự kiện bạo loạn chính trị tại các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên; căn cứ yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Công an, năm 2008, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước đã quyết định cử 03 cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tham gia khóa đào tạo về công tác huấn luyện, nuôi dưỡng và sử dụng động vật nghiệp vụ tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, đóng chân trên địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Đây là lớp cán bộ đầu tiên của Công an tỉnh Bình Phước tham gia công tác quản lý, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ, đánh dấu sự hình thành, phát triển của một hệ lực lượng mới thuộc Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Bình Phước.
Trong số những cán bộ được cử đi đào tạo năm ấy, Thiếu tá Tống Văn Lý, Phó đội trưởng Đội cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực mới này: "Khi kết thúc khoá học về công tác tại đơn vị ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đó là về chuồng trại, bếp ăn cho động vật nghiệp vụ chưa được xây dựng, cán bộ thú y theo dõi sức khỏe cho động vật nghiệp vụ không có... Được sự quan tâm của Ban giám đốc và lãnh đạo đơn vị kịp thời động viên, chúng tôi đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Trải qua 17 năm từ khi lớp cán bộ đầu tiên tham gia đào tạo cho đến nay, Giám đốc Công an tỉnh đã cử 06 đợt với tổng số 16 cán bộ tham gia đào tạo về công tác huấn luyện, nuôi dưỡng và sử dụng chó nghiệp vụ, được biên chế tại Đại đội Cảnh sát cơ động thuộc Phòng Cảnh sát cơ động.
Chó nghiệp vụ tham gia huấn luyện nội dung phục kích, đánh bắt đối tượng
Đặc thù chó nghiệp vụ là lực lượng chiến đấu đặc biệt nên từ khâu lựa chọn giống chó nghiệp vụ cũng tuân thủ theo quy trình khắt khe. Các giống chó Malinois, Becgie, Rottweiler là các giống thường được sử dụng với những ưu thế vượt trội về thể hình, tốc độ, khả năng đánh hơi và chiến đấu. Các chú chó được tuyển chọn, nuôi dưỡng, huấn luyện để trở nên thông minh, mạnh mẽ, gan dạ, tuyệt đối trung thành và khả năng tuân thủ mệnh lệnh trong huấn luyện, chiến đấu, giúp chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.
Cán bộ, chiến sĩ làm công tác huấn luyện chó nghiệp vụ cũng phải tinh thông nghiệp vụ, vững vàng pháp luật. Họ phải áp dụng những kiến thức được học và từ những kinh nghiệm công tác, khả năng sáng tạo để tổ chức luyện tập liên tục. Bởi nếu không được tập và rèn luyện kỹ năng thường xuyên tạo thành thói quen, các phản xạ có điều kiện của chó nghiệp vụ thì rất dễ bị mai một. Ngoài ra, cán bộ huấn luyện chó nghiệp vụ còn xây dựng phương án nâng cao năng lực làm việc cho chó nghiệp vụ để có thể đáp ứng được các tình huống trong thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm.
Sau công tác tập luyện thì chế độ chăm sóc chó nghiệp vụ cũng rất được quan tâm, không giống như chó cảnh, chó nghiệp vụ rất năng động và tiêu hao nhiều năng lượng, do vậy chế độ ăn của chó nghiệp vụ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà, các loại trứng và được ăn bổ sung sau những đợt huấn luyện nâng cao hoặc trong thời gian phục vụ công tác đặc biệt. Lúc những chú chó bị ốm, chấn thương trong quá trình tập luyện, cán bộ huấn luyện phải luôn túc trực theo dõi, cho ăn, tiêm thuốc, truyền dịch để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chó nghiệp vụ.
Chó nghiệp vụ tham gia nhiệm vụ bảo vệ tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày Truyền thống Ngành cao su Việt Nam
Với tính chất đặc thù, trong những năm qua Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ về lòng say mê, yêu nghề, gắn bó tận tâm với công việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ phải luôn kiên trì, bền bỉ, rèn luyện cho chó nghiệp vụ có tính kỷ luật cao, tuân thủ cán bộ huấn luyện, vận dụng sáng tạo, linh hoạt khoa học phù hợp vào điều kiện thực tế của địa phương. Trong thời gian qua, chó nghiệp vụ đã tích cực tham gia tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương trong giải quyết các chuyên án, vụ án, vụ việc phức tạp, tham gia tập luyện, diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh.
Nói về phương hướng trong thời gian tới, Thượng tá Nguyễn Phước Chí, Trưởng Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh cho biết: Ngày 16/3/2022, Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị Quyết số 12 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Yêu cầu mục tiêu của Nghị Quyết số 12 là xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động là một trong sáu lực lượng tiến lên hiện đại vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, Cấp uỷ, Ban lãnh đạo Phòng Cảnh sát cơ động tiếp tục chăm lo, xây dựng lực lượng huấn luyện động vật nghiệp vụ trong thời gian tới với những mục tiêu trọng tâm như sau: Thứ nhất, tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu xây dựng và trưởng thành của lực lượng quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ; Thứ hai, quan tâm bồi dưỡng giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chăm lo đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn để CBCS đội Quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ đáp ứng mọi yêu cầu trong tình hình mới; Thứ ba, phải tăng cường huấn luyện thường xuyên, huấn luyện nâng cao, xử lý các phương án đánh bắt đối tượng ở đô thị, vùng rừng núi, vùng nông thôn. Đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu xử lý các tình huống phức tạp trong thời gian tới.
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung và của Công an tỉnh Bình Phước nói riêng đã trở thành vũ khí đặc biệt giúp cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh, triệt phá thành công các loại tội phạm, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm, khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia và đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm giữ gìn sự bình yên cuộc sống.